CÔNG AN TỈNH HẬU GIANGhttps://congan.haugiang.gov.vn, congan.haugiang.gov.vn/uploads/logoca.png
Thứ tư - 02/08/2023 06:231.2080
Ngày 10/7/2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang ban hành Chương trình số 189-CTr/TU về thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới (sau đây gọi tắt là Chương trình).
Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 04/9/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khoá XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ, đường sắt, đường thuỷ nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông, nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về giao thông của người dân có bước chuyển biến tích cực hơn; công tác quản lý nhà nước được tăng cường, hạ tầng giao thông được quan tâm đầu tư, các giải pháp phòng, chống ùn tắc giao thông được triển khai đồng bộ, hiệu quả hơn; tai nạn giao thông (TNGT) giảm cả về số vụ, số người chết và số người bị thương. Tuy nhiên, TTATGT vẫn diễn biến phức tạp, gây bức xúc, lo lắng trong xã hội; văn hoá tham gia giao thông chưa được hình thành rõ nét; việc bảo đảm TTATGT có lúc, có nơi bị buông lỏng, một số vi phạm chưa được khắc phục triệt để; TNGT giảm chưa bền vững; việc giải quyết ùn tắc giao thông tại một số thành phố, đô thị lớn vẫn còn nhiều khó khăn… Do đó, để đẩy mạnh công tác bảo đảm TTATGT đáp ứng yêu cầu tình hình mới, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 25/5/2023 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm TTATGT trong tình hình mới. Quán triệt Chỉ thị số 23 của Ban Bí thư, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chương trình số 189-CTr/TU để cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp của Chỉ thị nhằm thực hiện có hiệu quả công tác bảo đảm TTATGT, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh và tổ chức triển khai đến toàn thể các cấp ủy Đảng, các ngành, các cấp, cán bộ, đảng viên và Nhân dân trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm túc. Chương trình xác định 4 mục tiêu chung đó là: (1) Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân, tạo chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trong bảo đảm TTATGT; kiên trì xây dựng văn hoá giao thông, ý thức chấp hành pháp luật, ứng xử văn minh khi tham gia giao thông; kiềm chế và kéo giảm TNGT, hạn chế ùn tắc giao thông trên địa bàn tỉnh; (2) Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở, cán bộ, đảng viên và Nhân dân đối với công tác bảo đảm TTATGT; xác định bảo đảm TTATGT là một trong những động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; (3) Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân định rõ trách nhiệm, bảo đảm công tác quản lý nhà nước về giao thông thống nhất, thông suốt, hiệu quả; nâng cao ý thức, trách nhiệm, đạo đức công vụ, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác bảo đảm TTATGT; (4) Huy động các nguồn lực đầu tư phát triển nhanh, đồng bộ hạ tầng giao thông phù hợp với quy mô, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại, thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ trong lĩnh vực giao thông. Đồng thời, Chương trình cũng đã xác định ba mục tiêu cụ thể, gồm: (1) Kiềm chế và kéo giảm TNGT; phấn đấu giảm số thương vong do TNGT mỗi năm từ 5% đến 10%; (2) Kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan có chức năng, nhiệm vụ bảo đảm TTATGT từ tỉnh đến cơ sở; xây dựng lực lượng làm nhiệm vụ bảo đảm TTATGT trong sạch, có đủ năng lực, phẩm chất đạo đức, có tinh thần trách nhiệm cao, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; (3) Bảo đảm đủ nguồn lực cho công tác bảo đảm TTATGT, chống ùn tắc giao thông, trong đó tập trung xóa bỏ kịp thời các điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT.
Để triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp bảo đảm TTATGT theo Chỉ thị số 23 của Ban Bí thư, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề ra bảy nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như sau: Thứ nhất,tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thực hiện nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo đảm TTATGT. Cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở quán triệt, cụ thể hóa chủ trương của Đảng đối với công tác bảo đảm TTATGT vào chương trình, kế hoạch thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghiêm, hiệu quả. Siết chặt trật tự, kỷ cương, xử lý nghiêm minh mọi hành vi vi phạm pháp luật về giao thông của người tham gia giao thông và người làm nhiệm vụ quản lý nhà nước về giao thông. Mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu phải gương mẫu, tích cực vận động người thân, gia đình và Nhân dân thực hiện nghiêm quy định về bảo đảm TTATGT. Nghiêm cấm mọi hành vi can thiệp, tác động vào quá trình xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông của các cơ quan chức năng. Thứ hai, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân định rõ trách nhiệm trong quản lý nhà nước về giao thông. Đảng đoàn Hội đồng nhân dân, Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh quy định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước đối với công tác bảo đảm TTATGT với bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông và phát triển kinh tế - xã hội. Xây dựng cơ chế, chính sách huy động, sử dụng các nguồn lực xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng và bảo đảm TTATGT. Các chủ trương đầu tư làm phát sinh gia tăng nhu cầu giao thông lớn cần có đánh giá tác động về TTATGT. Thứ ba, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về bảo đảm TTATGT. Cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở thực hiện đa dạng hóa nội dung, hình thức, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền phù hợp với từng nhóm đối tượng; tăng cường phối hợp giữa gia đình, nhà trường và các cơ quan, đoàn thể giáo dục cho thanh, thiếu nhi ý thức chấp hành pháp luật và hành vi văn hóa trong tham gia giao thông. Tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” gắn với bảo đảm TTATGT; chủ động phê phán, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông; tiếp tục xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến, kịp thời khen thưởng, biểu dương các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong xây dựng phong trào. Kết hợp chặt chẽ giữa tuyên truyền, vận động với giám sát, kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật.
Thứ tư,tập trung nguồn lực xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ trong lĩnh vực giao thông. Đảng đoàn Hội đồng nhân dân, Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp tục hoàn chỉnh quy hoạch kết nối đồng bộ hệ thống giao thông với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; lồng ghép nội dung về bảo đảm TTATGT trong quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn và các quy hoạch chuyên ngành liên quan đến giao thông bảo đảm khả thi, an toàn, phù hợp với thực tiễn và thực hiện nghiêm quy hoạch được phê duyệt. Thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn để đầu tư xây dựng, phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông. Đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm, các tuyến giao thông huyết mạch. Kết nối có hiệu quả các loại hình giao thông đường thủy nội địa để giảm áp lực cho giao thông đường bộ. Tăng cường chuyển đổi số và ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lý, điều hành giao thông; kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu về giao thông giữa các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và đổi mới phương thức tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực giao thông.
Thứ năm, nâng cao năng lực quản lý, điều hành, phối hợp các lực lượng trong bảo đảm TTATGT. Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới, nâng cao chất lượng đăng ký, đăng kiểm phương tiện giao thông, đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép điều khiển phương tiện giao thông, bảo đảm phương tiện tham gia giao thông phải đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn kỹ thuật, người điều khiển phương tiện phải hiểu biết đầy đủ pháp luật, có đủ kỹ năng tham gia giao thông an toàn. Quản lý chặt chẽ việc cấp biển số phương tiện giao thông. Tăng cường quản lý hoạt động vận tải, ưu tiên đầu tư phát triển vận tải hành khách công cộng, chuyển đổi sang các phương tiện giao thông xanh gắn với lộ trình hạn chế dần phương tiện cá nhân tham gia giao thông. Tổ chức giao thông hợp lý, khoa học, phù hợp với điều kiện kết cấu hạ tầng; thực hiện nghiêm quy định về quản lý hành lang an toàn giao thông; tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát trên các tuyến giao thông thủy, bộ, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông để giáo dục, răn đe; thường xuyên rà soát, phát hiện, khắc phục kịp thời những hạn chế, bất cập trong tổ chức giao thông và “điểm đen” trên các tuyến giao thông. Kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan chức năng làm nhiệm vụ bảo đảm TTATGT các cấp theo hướng thu gọn đầu mối, tinh giản biên chế, nâng cao hiệu lực, khắc phục tình trạng chồng chéo chức năng, nhiệm vụ. Thường xuyên đánh giá, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức phối hợp liên ngành trong lĩnh vực bảo đảm TTATGT. Quan tâm đầu tư ngân sách, cơ sở vật chất, phương tiện và các điều kiện bảo đảm phục vụ công tác cho các lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ bảo đảm TTATGT. Tăng cường công tác đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, xây dựng lực lượng chuyên trách, các lực lượng tham gia cứu hộ, cứu nạn và khắc phục hậu quả TNGT có đủ phẩm chất, năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao.
Thứ sáu, giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ trên địa bàn tỉnh. Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện nghiêm quy hoạch đô thị, quy hoạch giao thông. Tập trung nguồn lực phát triển vận tải hành khách công cộng, nâng cao chất lượng dịch vụ để thu hút ngày càng nhiều sự tham gia của người dân. Tăng cường quản lý trật tự đô thị; nâng cao khả năng đáp ứng nhu cầu về bến bãi, điểm đỗ phương tiện giao thông. Thứ bảy, tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh và công khai kết quả xử lý đối với tổ chức đảng, đảng viên vi phạm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực giao thông, không thực hiện đầy đủ chức trách nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Các cơ quan tố tụng phối hợp kịp thời khởi tố các vụ TNGT có dấu hiệu tội phạm, điều tra xử lý nghiêm, đồng thời xác định rõ nguyên nhân dẫn đến các vụ TNGT để có giải pháp phòng ngừa hiệu quả./.