CÔNG AN TỈNH HẬU GIANGhttps://congan.haugiang.gov.vn, congan.haugiang.gov.vn/uploads/logoca.png
Thứ năm - 21/09/2023 10:081.0840
Những người sau chấp hành án về địa phương thường có tâm lý mặc cảm, tự ti, trong suy nghĩ của họ là rất nhiều những câu hỏi: liệu cuộc sống sắp tới rồi sẽ ra sao? Phải bắt đầu từ đâu khi vết đen phạm pháp vẫn lăm le hạ gục họ trong hành trình làm lại cuộc đời?... Làm sao để giúp đỡ những người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng động luôn là vấn đề hết sức trăn trở. Tại Hậu Giang, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng lực lượng Công an đã nỗ lực phối hợp với các ban, ngành, mặt trận, đoàn thể triển khai thực hiện nhiều giải pháp với mô hình, cách làm hay để trở thành chiếc cầu nối đưa những người từng lầm đường lỡ bước có cơ hội tái hòa nhập cộng đồng, sống hữu ích và trách nhiệm.
Sau hơn 02 năm chấp hành án vì vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, anh Đặng Văn Đen, ngụ xã Thuận Hưng, huyện Long Mỹ trở về với gia đình, người thân. Những ngày đầu, anh luôn mặc cảm với lỗi lầm, ít tiếp xúc với ai, thậm chí, việc làm ăn cũng gặp rất nhiều khó khăn, nhưng bản thân vẫn có một khát vọng được làm lại, sống có ích, trách nhiệm với gia đình và xã hội. Thấu hiểu nỗi niềm đó, cấp ủy, chính quyền địa phương mà nòng cốt là lực lượng Công an cơ sở đã trực tiếp gặp gỡ, động viên, giúp đỡ giới thiệu để anh được vay vốn chăn nuôi. Sống trong sự chia sẻ và đùm bọc của mọi người, bằng chính ý chí, sự nổ lực vươn lên của bản thân, đến nay anh Đen đã ổn định phần nào kinh tế gia đình. Anh Đặng Văn Đen xúc động chia sẻ: “Sau hơn 02 năm chấp hành án tù, lúc mới về rất khó khăn, nhờ sự động viên của chính quyền xã và mấy anh Công an, tôi quyết tâm, cố gắng vượt qua mặc cảm làm lại cuộc đời”. Được thành lập vào năm 2012, “Câu lạc bộ hướng thiện” xã Thuận Hưng, huyện Long Mỹ đã giúp cho 26 thành viên chấp hành xong án phạt tù, đặc xá, đi cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng trở về địa phương tái hòa nhập cộng đồng. Qua đó đã có 09 trường hợp tham gia các mô hình nông dân sản xuất giỏi, 07 thành viên được giới thiệu việc làm, có thu nhập ổn định. Ngoài ra, Câu lạc bộ còn hỗ trợ 13 thành viên vay vốn với số tiền 230 triệu đồng để làm ăn, ổn định cuộc sống. Nhờ sự quan tâm giáo dục, giúp đỡ kịp thời của Ban Chỉ đạo Câu lạc bộ và bằng chính ý chí quyết tâm làm lại cuộc đời, nên đến nay 100% thành viên đều có việc làm, cuộc sống ổn định, không ai tái phạm. Thiếu tá Võ Văn Sang, nguyên Trưởng Công an xã Thuận Hưng, huyện Long Mỹ (nay là Đội trưởng Đội tổng hợp Công an huyện Long Mỹ) cho biết thêm, những người sau chấp hành án khi về địa phương lúc đầu rất mặc cảm với xã hội, do đó để họ tự nguyện tham gia mô hình thì Công an xã và các ngành phải thường xuyên đến tận nhà vận động, tuyên truyền, giúp những người này có niềm tin trong cuộc sống, bỏ đi mặc cảm, sẵn lòng bày tỏ những tâm tư, nguyện vọng chính đáng; từ đó kịp thời nắm bắt những khó khăn, tâm tư để giáo dục định hướng, chia sẻ phù hợp, giúp đỡ hiệu quả. Hiện tại qua các buổi sinh hoạt định kỳ của “Câu lạc bộ hướng thiện” đã tạo ra một nguồn quỹ trong nhóm các thành viên để hỗ trợ xoay vòng với nhau. Còn đối với trường hợp của ông Nguyễn Văn Lượng ở xã Tân Hòa, huyện Châu Thành A, khi chấp hành xong án phạt, ông trở về địa phương mưu sinh bằng nhiều công việc khác nhau. Mặc cảm vì lời ra tiếng vào và sự nghi kỵ của người đời, đôi lúc ông muốn rời quê đi xứ khác. Trước ranh giới mong manh giữa con đường phục thiện và tái phạm, ông Lượng được Công an địa phương vận động tham gia mô hình “Quản lý giáo dục, giúp đỡ người thuộc diện tái hòa nhập cộng đồng” sinh hoạt cùng 38 thành viên đồng cảnh ngộ, chính từ đây cuộc sống gia đình ông đã bước sang trang mới. Không chỉ được sự động viên, chia sẻ, ông Lượng được địa phương hỗ trợ vay vốn để phát triển nuôi heo và gia cầm nhằm cải thiện cuộc sống. Ông Lượng phấn khởi nói: “Lúc đầu mới về, tôi không dám ra đường hay đi đến nhà ai vì sợ mọi người nghi kỵ. Khoảng 05 năm trở lại đây, Công an địa phương thường xuyên đến thăm hỏi, động viên, từ đó tâm lý của tôi bắt đầu nhẹ lại, hết suy nghĩ tiêu cực, tinh thần phấn chấn lên. Cách đây hơn 02 năm, tôi được hỗ trợ cho vay 10 triệu đồng không lãi suất, bản thân mừng rơi nước mắt”. Không chỉ quan tâm động viên, hỗ trợ tinh thần cho các thành viên, từ năm 2022 đến nay, Công an huyện Châu Thành A còn vận động cán bộ, chiến sĩ tự nguyện hỗ trợ vốn làm ăn hơn 37 triệu đồng cho 4 thành viên trong mô hình (theo chu kỳ 2 năm, không lãi suất). Đây là cách làm hay để giúp các thành viên sau khi chấp hành án về địa phương. Thiếu tá Phan Hoàng Riêng, nguyên Đội trưởng Đội cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, Công an huyện Châu Thành A (nay là Trưởng ban Thanh niên Công an tỉnh) chia sẻ: “Mô hình “Quản lý giáo dục, giúp đỡ người thuộc diện tái hòa nhập cộng đồng” luôn được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, nòng cốt là lực lượng Công an địa phương. Những người sau chấp hành án rất phấn khởi, khi được hỗ trợ, giúp đỡ; qua đó, những người này không chỉ có việc làm, nuôi sống bản thân mà còn tham gia tích cực đối với phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc của huyện Châu Thành A”. Thượng tá Trần Anh Dũng, Trưởng phòng Cảnh sát thi hành án và hỗ trợ tư pháp, cho biết thêm: “Thời gian qua, Công an tỉnh luôn quan tâm giúp đỡ những người sau chấp hành án được vay vốn để tham gia sản xuất, lao động, chúng tôi đã hỗ trợ cho 12 trường hợp vay vốn với tổng số tiền 240 triệu; vận động mạnh thường quân gần 50 triệu đồng để sửa chữa nhà cho 02 trường hợp có hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh đó, cũng tạo điều kiện thuận lợi cho những người sau chấp hành án thực hiện các thủ tục pháp lý như xác nhận lý lịch tư pháp, cấp Căn cước công dân… để họ đủ quyền công dân đi học nghề, xin việc và đã có hơn 100 trường hợp có việc làm ổn định”. Thông qua các mô hình hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng như “Câu lạc bộ hướng thiện”; “Quản lý giáo dục, giúp đỡ người thuộc diện tái hòa nhập cộng đồng” mà lực lượng Công an các địa phương đang triển khai, nhiều người sau khi chấp hành án về đã dần ổn định cuộc sống và đặc biệt chưa ghi nhận trường hợp nào tái phạm. Mặc dù còn nhiều khó khăn trong hành trình trở về của những người đã từng lầm lỗi, nhưng với tín hiệu tích cực từ các mô hình được triển khai ở các địa phương đã giúp họ phần nào có được một cuộc sống bình thường, từ đó, trở thành người có ích cho xã hội. Ở đời, bất cứ ai cũng có thể phạm sai lầm, nhưng quan trọng là họ sửa sai và bắt đầu lại cuộc đời mới ra sao. Nhưng để những người từng làm sai có thể thay đổi vẫn rất cần lắm sự thấu hiểu và san sẻ từ cộng đồng. Khi hàng rào ngăn cách được phủ mờ bằng sự bao dung sẽ tiếp thêm động lực và giúp người phạm sai lầm tìm đúng con đường hoàn lương./.
Tác giả bài viết: Trần Thế Phong - Phòng Công tác đảng và công tác chính trị