CÔNG AN TỈNH HẬU GIANGhttps://congan.haugiang.gov.vn, congan.haugiang.gov.vn/uploads/logoca.png
Thứ năm - 21/03/2024 05:112.5600
Sau khi tiếp thu các ý kiến tham gia đóng góp tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đã bổ sung 05 điều mới trên cơ sở kế thừa những quy định của pháp luật hiện hành và điều kiện, tình hình thực tế của đất nước, cụ thể như sau: Thứ nhất, đấu giá biển số xe (Điều 37) - Về căn cứ pháp lý và cơ sở thực tiễn của việc bổ sung: Một là, theo quy định của Bộ luật Dân sự, Luật Quản lý sử dụng tài sản công, Luật Đấu giá tài sản, Luật Giao thông đường bộ... thì kho số quản lý phương tiện giao thông đường bộ (biển số xe) là tài sản công, phục vụ quản lý nhà nước. Tuy nhiên, việc khai thác kho biển số xe gặp khó khăn, vướng mắc về pháp lý như: Chưa có cơ sở pháp lý về việc cấp biển số xe thông qua đấu giá; chưa có quy định về quản lý biển số trúng đấu giá, quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá; xác định giá khởi điểm… Qua nghiên cứu tham khảo kinh nghiệm quốc tế về khai thác quản lý tài sản công, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 73/2022/QH15 ngày 15/11/2022 về thí điểm đấu giá biển số xe ô tô (nền màu trắng, chữ và số màu đen) từ ngày 15/9/2023 đến hết tháng 02/2024. Kết quả, sau 05 tháng triển khai thực hiện đã tổ chức đấu giá trực tuyến thành công 15.185 biển số xe ô tô, với tổng số tiền đấu giá thành là hơn 2 nghìn tỷ đồng; trong đó, đã có 14.062 biển số xe ô tô trúng đấu giá đã được người trúng đấu giá nộp với số tiền gần 1,4 nghìn tỷ đồng; việc đấu giá biển số được dư luận xã hội rất quan tâm và đồng tình, ủng hộ. Hai là, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, giảm số lượng giấy tờ khi đăng ký xe. Công tác đăng ký xe đã phân cấp triệt để đến Công an cấp huyện, cấp xã đủ điều kiện, nhằm giảm số lần đi lại và thời gian chờ đợi của người dân và doanh nghiệp; công khai minh bạch các thủ tục, lệ phí đăng ký, cấp biển số. Đặc biệt là nghiên cứu chuyển từ phương thức cấp và quản lý biển số xe theo phương tiện sang cấp và quản lý biển số xe theo mã định danh của chủ xe, tiếp nhận và sử dụng dữ liệu điện tử qua Cổng dịch vụ công để thực hiện đăng ký, cấp biển số xe, đáp ứng chương trình chuyển đổi số quốc gia, phục vụ mục tiêu công dân số, Chính phủ số theo Đề án 06 của Chính phủ. Ba là, việc thí điểm đấu giá biển số xe ô tô theo Nghị quyết số 73/2022/QH15 được thực hiện đến tháng 7/2026 (thời điểm Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ nếu được thông qua vừa có hiệu lực thi hành), sau tháng 7/2026 nếu có tiếp tục thực hiện đấu giá biển số xeô tô nhưng không bổ sung quy định này kịp thời, thì phải sửa đổi Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Mặt khác việc đấu giá biển số xe mới chỉ áp dụng thí điểm đối với biển số xe ô tô nền màu trắng, chữ và số màu đen, chưa áp dụng rộng rãi đối với các loại biển số xe ô tô khác và biển số xe mô tô, xe gắn máy nên chưa đáp ứng hết được nguyện vọng của người dân có nhu cầu sở hữu biển số xe theo sở thích. Việc luật hoá quy định của Nghị quyết số 73/2022/QH15 ngày 15/11/2022 của Quốc hội về thí điểm đấu giá biển số xe vào Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ là rất cần thiết, phù hợp với các quy định hiện hành về việc cấp và quản lý biển số xe theo mã định danh của chủ xe, đáp ứng mục tiêu công dân số, Chính phủ số theo Đề án 06 của Chính phủ và khai thác, quản lý hiệu quả tài sản công.
- Về bố cục và nội dung của quy định đấu giá biển số xe: Điều 37 của dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ có 10 khoản, quy định về loại biển số đưa ra đấu giá; giá khởi điểm; tiền đặt trước; bước giá; hình thức đấu giá; quyền, nghĩa vụ của người trúng đấu giá; phân bổ tiền thu được từ đấu giá biển số xe...Để triển khai quy định về đấu giá biển số xe, Luật sẽ giao Chính phủ quy định chi tiết Điều này. Thứ hai, điểm của giấy phép lái xe (Điều 57) - Về căn cứ pháp lý và cơ sở thực tiễncủa việc bổ sung: Một là, tình hình trật tự, an toàn giao thông vẫn diễn biến phức tạp, gây bức xúc, lo lắng trong xã hội;vi phạm trật tự, an toàn giao thông diễn ra rất phổ biến, ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông còn kém, văn hóa tham gia giao thông chưa được hình thành rõ nét(tính trung bình hàng năm lực lượng Cảnh sát giao thông xử lý trên 3 triệu trường hợp vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe trên 500 nghìn trường hợp); tai nạn giao thông tuy đã giảm nhưng còn ở mức cao, xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng làm chết, bị thương nhiều người, mà nguyên nhân chủ yếu do lỗi của người lái xe không chấp hành các quy định của pháp luật giao thông đường bộ. Hai là, người điều khiển phương tiện tham gia giao thônglà một trong những thành tố chính của hoạt động giao thông đường bộ có liên quan trực tiếp đến trật tự, an toàn giao thông. Trong khi hiện nay công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe còn nhiều bất cập, chưa phù hợp, chưa sát với thực tế, một số công đoạn của việc đào tạo, sát hạch còn hình thức, dễ dãi, không ít học viên sau khi hoàn thành chương trình đào tạo, sát hạch và được cấp giấy phép lái xe nhưng không đủ tự tin để lái ô tô ra đường, kỹ năng lái xe kém, không nắm được các quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, nhất là các quy tắc tham gia giao thông. Ba là, việc quản lý người lái xe sau khi được sát hạch, cấp giấy phép lái xe đang bị buông lỏng; cơ quan chức năng chưa có các biện pháp quản lý phù hợp, hữu hiệu, nhất là quản lý việc chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông của người lái xe. Hiện nay, theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 123/2021/NĐ-CP) quy định các hành vi vi phạm nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng về trật tự, an toàn giao thông thì bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe có thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng, từ 02 tháng đến 04 tháng, từ 22 tháng đến 24 tháng. Mỗi năm cơ quan chức năng tước có thời hạn trên 500 nghìn trường hợp giấy phép lái xe, khi bị tước người lái xe không được phép điều khiển phương tiện, dẫn đến tác động không nhỏ cho các hoạt động đi lại, sản xuất kinh doanh, đời sống hàng ngày của người dân; việc tước giấy phép lái xe đang thực hiện thủ công, nhiều người vi phạm bỏ giấy phép không đến lấy, tồn đọng nhiều giấy phép lái xe tại cơ quan xử phạt, dẫn đến lãng phí, tăng chi phí, nguồn lực quản lý, nhưng vẫn chưa quản lý được quá trình chấp hành pháp luật của người lái xe.
Bốn là, nghiên cứu tiếp thu kinh nghiệm quốc tế, các nước tiên tiến trên thế giới như Singapore, Nhật Bản, Trung Quốc... đều có quy định trừ điểm giấy phép lái xe đối với người lái xe khi có các hành vi vi phạm có nguy cơ gây mất an toàn giao thông cao nhằm quản lý việc chấp hành pháp luật của người điều khiển phương tiện giao thông. Năm là, điểm của giấy phép lái xe, trừ điểm của giấy phép lái xe được quy định trong dự thảo Luật là một biện pháp quản lý nhà nước (không phải là hình thức xử phạt vi phạm hành chính), vừa có tính chất răn đe vừa có tính chất giáo dục, động viên về việc chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, mỗi lần bị trừ điểm như là “tiếng chuông” cảnh báo giúp người lái xe chấp hành pháp luật tốt hơn, theo đó: người lái xe vi phạm phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ ở mức độ nghiêm trọng sẽ bị trừ điểm giấy phép lái xe và trong thời hạn 12 tháng khi chưa bị trừ hết điểm thì được phục hồi đủ 12 điểm. Giấy phép lái xe chưa bị trừ hết điểm, người lái xe tiếp tục được điều khiển phương tiện tham gia giao thông, không ảnh hưởng đến hoạt động tham gia giao thông, hoạt động sản xuất kinh doanh, đời sống của người dân, qua đó bảo đảm tính nhân văn, nhân đạo của pháp luật Việt Nam và quyền của công dân được quy định trong Hiến pháp; đáp ứng yêu cầu thực tiễn, ứng dụng chuyển đổi số trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình hiện nay, tiếp thu kinh nghiệm quản lý an toàn giao thông của các nước tiên tiến trên thế giới, qua đó quản lý người lái xe trong suốt quá trình từ khi đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, cho đến quá trình chấp hành pháp luật của người lái xe, việc vi phạm tái phạm, từ đó sẽ tác động tới hành vi, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, giúp cơ quan quản lý giám sát toàn diện quá trình chấp hành sau vi phạm của người lái xe. Sáu là, về các quy định quản lý nhà nước của pháp luật khác có tính chất tương tự: nghiên cứu các lĩnh vực quản lý nhà nước khác như y tế, dược… pháp luật cũng đã quy định biện pháp quản lý hành chính nhà nước tương tự: “Thu hồi chứng chỉ hành nghề” để tăng cường quản lý nhà nước đối với việc chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân. Bảy là, thẩm quyền, căn cứ, trình tự, thủ tục thực hiện trừ điểm, phục hồi giấy phép lái xe sẽ được quy định theo hướng như sau: (1)Quy định cụ thể các hành vi vi phạm nghiêm trọng, nguy cơ gây mất an toàn giao thông cao, người vi phạm sẽ bị trừ điểm của giấy phép lái xe, mức trừ điểm cụ thể trong một lần vi phạm sẽ được nghiên cứu quy định cụ thể và đảm bảo không trùng chéo với các hình thức xử phạt vi phạm hành chính. (2)Thủ tục trừ điểm, phục hồi điểm sẽbảo đảm đơn giản, hợp lý, tránh phiền hà cho người vi phạm, theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, số hóa hệ thống cơ sở dữ liệuvề sát hạch, cấp giấy phép lái xe; hệ thống cơ sở dữ liệu về xử phạt vi phạm hành chính; khi có quyết định xử phạt (đối với hành vi vi phạm có quy định trừ điểm), người lái xe sẽ nhận được thông báo của cơ quan xử phạt về việc giấy phép lái xe bị trừ điểm; hệ thống cơ sở dữ liệu sẽ tự động trừ điểm (không có sự tiếp xúc giữa người có thẩm quyền xử phạt và người vi phạm, nên sẽ không phát sinh tiêu cực, không trùng chéo với các hình thức xử phạt vi phạm hành chính) hoặc sau một năm kể từ lần trừ điểm gần nhất nếu còn điểm hệ thống sẽ tự động phục hồi điểm cho người lái xe. - Về bố cục và nội dung quy định điểm của giấy phép lái xe: Điều 57 của dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộcó 08 khoản, quy định về mức điểm giấy phép lái xe và quản lý điểm giấy phép lái xe. Để triển khai quy định về điểm của giấy phép lái xe, Luật sẽ giao Chính phủ quy định chi tiết Điều này. Thứ ba, Quỹ giảm thiểu thiệt hại tai nạn giao thông đường bộ (Điều 87) - Về căn cứ pháp lý và cơ sở thực tiễn của việc bổ sung: Một là, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 tuy đã có quy định về trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức khi xảy ra tai nạn giao thông đường bộ nhưng chưa quy định cụ thể về công tác giải quyết tai nạn giao thông đường bộ, nhất là việc quy định về Quỹ giảm thiểu thiệt hại tai nạn giao thông đường bộ. Hai là,khi xảy ra tai nạn giao thông đường bộ là có hậu quả thiệt hại về người và tài sản, nếu không có quỹ để giảm thiểu những hậu quả thiệt hại này thì sẽ làm cho những nạn nhân trong vụ tai nạn giao thông, thân nhân, gia đình của họ thêm nhiều gánh nặng, thậm chí có thể kiệt quệ về kinh tế, bất ổn về tinh thần, dẫn đến kìm hãm sự phát triển của kinh tế - xã hội. Đa số nạn nhân trong các vụ tai nạn giao thông là những người đang trong độ tuổi lao động, là nguồn thu nhập chính của gia đình và là lực lượng lao động để phát triển kinh tế - xã hội, vì vậy, gia đình họ không những bị mất đi nguồn thu nhập chính mà còn phải chi phí thuốc men, chạy chữa hoặc khắc phục những hư hỏng thiệt hại về tài sản, mất phương tiện đi lại, sản xuất, làm ăn… từ đó làm tăng gánh nặng cho sự phát triển kinh tế - xã hội.
Ba là,Quỹ giảm thiểu thiệt hại tai nạn giao thông đường bộ được quy định trong dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ sẽ tạo cơ sở pháp lý đủ mạnh, rõ ràng để triển khai việc hỗ trợ nạn nhân do tai nạn giao thông đường bộ gây ra; hỗ trợ cho các lực lượng tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; hỗ trợ xây dựng công trình, thiết bị phòng ngừa, hạn chế tổn thất, thiệt hại do tai nạn giao thông đường bộ gây ra; khắc phục hậu quả vụ tai nạn giao thông, giảm thiểu thiệt hại do tai nạn giao thông đường bộ gây ra. Bốn là,khi có Quỹ giảm thiểu thiệt hại tai nạn giao thông đường bộ, kinh phí phục vụ cho việc giảm thiểu thiệt hại tai nạn giao thông đường bộ sẽ là nguồn tài chính xã hội hóa, không phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn ngân sách của Nhà nước và Quỹ bảo hiểm xe cơ giới để giải quyết nhanh chóng, kịp thời, khắc phục được tối đa, giảm thiểu được những thiệt hại do tai nạn giao thông đường bộ gây ra. Năm là,Quỹ giảm thiểu thiệt hại tai nạn giao thông đường bộ sẽ huy động được tối đa nguồn lực và phát huy được sự chung tay chia sẻ của toàn xã hội hỗ trợ về tinh thần, vật chất cho những người không may bị nạn trong vụ tai nạn giao thông, thân nhân, gia đình của người bị tai nạn để họ nhanh chóng ổn định, trở lại cuộc sống thường ngày, ngoài ra nguồn quỹ này cũng khích lệ các lực lượng thực hiện công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ ngày một tốt hơn và huy động tối đa mọi nguồn lực xã hội chung tay tham gia công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, từ đó sẽ giảm tai nạn giao thông đường bộ và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. - Về bố cục và nội dung quy định Quỹ giảm thiểu thiệt hại tai nạn giao thông đường bộ:Điều 87 của dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộcó 05 khoản, quy định việc thành lập, quản lý, sử dụng; nguyên tắc hoạt động của Quỹ giảm thiểu thiệt hại tai nạn giao thông đường bộ. Ngoài ra, dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ còn bổ sung 02 điều mới: Điều 36 - Biển số xe; Điều 88 - Sửa đổi, bổ sung một số điều, khoản, điểm của các luật có liên quan. Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ sau chỉnh lý, tiếp thu đã đạt được sự đồng thuận giữa cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo, dự kiến trình thông qua tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV./.