Ngày 31/10/2023, Bộ trưởng Bộ Công an đã ký, ban hành Thông tư số 57/2023/TT-BCA về tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính thuộc chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công an, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/12/2023. Trang thông tin điện tử Công an tỉnh Hậu Giang xin thông tin đến bạn đọc một số quy định về tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính thuộc chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công an như sau:
1. Về phạm vi điều chỉnh (Điều 1):
- Thông tư này quy định việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về các quy định hành chính thuộc chức năng quản lý nhà nước của lực lượng Công an nhân dân.
Theo đó, quy định hành chính thuộc chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công an, phản ánh, kiến nghị được hiểu như sau:
+ Quy định hành chính thuộc chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công an: là những quy định về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, thuộc phạm vi, chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công an, do cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền ban hành theo quy định của pháp luật.
+ Phản ánh: là việc cá nhân, tổ chức có ý kiến về những vấn đề liên quan đến quy định hành chính thuộc chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công an, bao gồm: vướng mắc cụ thể trong thực hiện; sự không hợp pháp, không hợp lý, không đồng bộ, không thống nhất với hệ thống pháp luật Việt Nam hoặc điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập và những vấn đề khác có liên quan.
+ Kiến nghị: là việc cá nhân, tổ chức cung cấp thông tin, trình bày ý kiến, nguyện vọng, đề xuất giải pháp phương án xử lý hoặc có sáng kiến ban hành mới quy định hành chính thuộc chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công an.
- Thông tư này không điều chỉnh đối với các trường hợp:
+ Phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về các quy định hành chính thuộc chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công an nhưng được xác định có nội dung bí mật nhà nước.
+ Các đơn, thư có nội dung khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo.
+ Các đơn, thư có nội dung tố giác, tin báo tội phạm.
2. Về đối tượng áp dụng (Điều 2):
Thông tư này áp dụng đối với: các đơn vị thuộc cơ quan Bộ; Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ Công an nhân dân có thẩm quyền tiếp nhận, phân loại, xử lý các phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính thuộc chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công an; cá nhân, tổ chức có phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính thuộc chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công an và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
3. Nội dung phản ánh, kiến nghị (Điều 5), bao gồm các nội dung sau:
- Vướng mắc, khó khăn cụ thể trong thực hiện quy định hành chính do hành vi chậm trễ, gây phiền hà hoặc không thực hiện, thực hiện không đúng quy định hành chính thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công an theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Thông tư này của đơn vị, cán bộ, chiến sĩ Công an.
- Sự không phù hợp của quy định hành chính với thực tế.
- Sự không đồng bộ; không thống nhất của các quy định hành chính;
- Quy định hành chính không hợp pháp.
- Quy định hành chính trái với các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập.
- Những vấn đề khác liên quan đến quy định hành chính.
- Cung cấp thông tin, trình bày ý kiến, nguyện vọng, đề xuất giải pháp phương án xử lý hoặc sáng kiến ban hành mới quy định hành chính liên quan đến hoạt động kinh doanh, đời sống nhân dân thuộc chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công an.
4. Các hình thức phản ánh, kiến nghị (Điều 6): phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính được thực hiện bằng một trong các hình thức sau: văn bản; điện thoại; phiếu lấy ý kiến; thông điệp dữ liệu gửi qua Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an, Cổng thông tin điện tử Bộ Công an, Cổng/Trang Thông tin điện tử Công an các đơn vị, địa phương.
5. Các yêu cầu đối với phản ánh, kiến nghị
- Yêu cầu đối với phản ánh, kiến nghị bằng văn bản (Điều 7):
+ Văn bản phản ánh, kiến nghị phải được cá nhân, tổ chức thực hiện bằng các cách thức: trực tiếp chuyển đến cơ quan tiếp nhận hoặc thông qua dịch vụ bưu chính;
+ Văn bản phản ánh, kiến nghị phải được thể hiện và sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt.
+ Nội dung phản ánh, kiến nghị phải được trình bày, thể hiện rõ ràng, cụ thể, mạch lạc;
+ Văn bản phản ánh, kiến nghị phải ghi rõ họ tên, địa chỉ, địa chỉ thư tín khi cần liên hệ; số điện thoại của cá nhân, tổ chức có phản ánh, kiến nghị theo quy định.
- Yêu cầu đối với phản ánh, kiến nghị bằng điện thoại (Điều 8):
+ Sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt.
+ Trình bày rõ nội dung phản ánh, kiến nghị.
+ Thông báo tên, địa chỉ, địa chỉ thư tín; số điện thoại của cá nhân, tổ chức có phản ánh, kiến nghị theo quy định tại khoản 4 Điều này.
+ Cá nhân, tổ chức thực hiện phản ánh, kiến nghị thông qua số điện thoại thường xuyên sử dụng, có đăng ký chính chủ với doanh nghiệp viễn thông theo quy định tại khoản 23 Điều 3 Luật Viễn thông năm 2009, đã được công bố công khai.
+ Cán bộ, chiến sĩ có trách nhiệm ghi chép trung thực, đầy đủ các nội dung, thông tin phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức và thể hiện bằng văn bản và báo cáo ngay cấp có thẩm quyền để giải quyết.
- Yêu cầu đối với phản ánh, kiến nghị bằng Phiếu lấy ý kiến (Điều 9):
+ Phiếu lấy ý kiến cá nhân, tổ chức về quy định hành chính thuộc chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công an được thực hiện thông qua các hình thức sau: gửi công văn lấy ý kiến hoặc lấy ý kiến qua phương tiện thông tin đại chúng;
+ Phiếu lấy ý kiến chỉ được thực hiện khi các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 2 Thông tư này muốn lấy ý kiến cá nhân, tổ chức về quy định hành chính thuộc chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công an.
+ Nội dung Phiếu lấy ý kiến phải thể hiện rõ ràng, cụ thể, chính xác những vấn đề cần lấy ý kiến theo quy định.
- Yêu cầu đối với phản ánh, kiến nghị bằng thông điệp dữ liệu (Điều 10):
+ Phản ánh, kiến nghị phải gửi đúng địa chỉ sau (các địa chỉ có chức năng hỗ trợ việc tiếp nhận, xử lý và công khai kết quả xử lý các phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính của cá nhân, tổ chức): Cổng dịch vụ công Bộ Công an (địa chỉ truy cập: https://dichvucong.bocongan.gov.vn; Mục Phản ánh - Kiến nghị; địa chỉ thư điện tử: tiepnhanphananhkiennghi@mps.gov.vn); Cổng Thông tin điện tử của Bộ Công an (địa chỉ truy cập Website: www.mps.gov.vn; hoặc www.bocongan.gov.vn); Cổng Dịch vụ công quốc gia (địa chỉ truy cập: https://dichvucong.gov.vn, mục Phản ánh, kiến nghị. Email: dichvucong@chinhphu.vn); Cổng/Trang Thông tin điện tử của Công an các đơn vị, địa phương.
+ Sử dụng ngôn ngữ Tiếng Việt; phông chữ của bộ mã ký tự Việt (font Unicode) theo tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 6909:2001;
+ Nội dung phản ánh, kiến nghị được trình bày mạch lạc, rõ ràng, cụ thể.
+ Phản ánh, kiến nghị phải ghi rõ tên, địa chỉ, địa chỉ thư điện tử, thư tín số điện thoại.
+ Đính kèm các tệp tin có định dạng phù hợp theo yêu cầu của hệ thống thông tin.
6. Về công khai kết quả xử lý phản ánh, kiến nghị (khoản 1 Điều 19): trong thời gian 10 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận phản ánh, kiến nghị theo quy định tại khoản 1 Điều 28 Luật Tiếp công dân, Công an đơn vị, địa phương có trách nhiệm công khai kết quả xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính thuộc chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công an
7. Về khen thưởng và xử lý vi phạm (Điều 24)
- Khen thưởng:
+ Cá nhân, tổ chức có những phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính thuộc chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công an, đem lại hiệu quả thiết thực, giúp Bộ Công an sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ những quy định hành chính không phù hợp với các tiêu chí quy định thì được khen thưởng theo quy định của pháp luật về thi đua khen thưởng.
+ Công an các đơn vị, địa phương, cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân có chức năng, nhiệm vụ tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính thuộc chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công an hoàn thành tốt nhiệm vụ theo quy định của Thông tư này được khen thưởng theo quy định của pháp luật về thi đua khen thưởng.
- Xử lý vi phạm:
+ Cá nhân, tổ chức có phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính thuộc chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công an mà vi phạm các quy định tại khoản 2 Điều 16 Thông tư này, thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý theo quy định của pháp luật. Khoản 2 Điều 16 quy định như sau:
“2. Cá nhân, tổ chức có phản ánh, kiến nghị có trách nhiệm:
a) Nêu rõ họ tên, địa chỉ, nội dung phản ánh, kiến nghị;
b) Trình bày rõ ràng, trung thực sự việc, cung cấp thông tin, tài liệu, căn cứ có liên quan đến phản ánh, kiến nghị; ký hoặc điểm chỉ xác nhận những nội dung đã trình bày đã được cán bộ, chiến sĩ tiếp cá nhân, tổ chức ghi chép lại trong trường hợp phản ánh, kiến nghị trực tiếp theo đúng quy định tại điểm c khoản 2 Điều 7 Luật Tiếp công dân năm 2013.
c) Phản ánh, kiến nghị đúng hình thức, cách thức, yêu cầu, quy trình theo quy định của pháp luật về phản ánh, kiến nghị các quy định hành chính.
d) Thực hiện đúng các quy định tại khoản 4, khoản 5, khoản 6, khoản 8 Điều 6 và điểm d, e khoản 2 Điều 7 Luật Tiếp công dân năm 2013.”
+ Công an các đơn vị, địa phương; cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân có chức năng, nhiệm vụ tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính thuộc chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công an nếu vi phạm hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm theo các quy định tại Thông tư này thì phải chịu trách nhiệm kỷ luật theo quy định tại Thông tư 38/2022/TT-BCA ngày 14/10/2022 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định việc xử lý kỷ luật trong Công an nhân dân.
Toàn văn Thông tư số 57/2023/TT-BCA của Bộ Công an được đăng tải ở tệp tin đính kèm để cá nhân, tổ chức có nhu cầu nghiên cứu, thực hiện./.