Việc ban hành Luật Căn cước nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng Chính phủ điện tử, giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến, tạo bước đột phá về chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực, đồng thời khắc phục những hạn chế, vướng mắc, bất cập của Luật Căn cước công dân hiện hành. Người dân không tin và nghe theo những luận điệu xuyên tạc về Luật Căn cước.
Các thế lực thù địch, phản động, các phần tử chống đối, các tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí với Việt Nam đã tăng cường các hoạt động tuyên truyền chống phá, xuyên tạc trong quá trình xây dựng và ban hành Luật Căn cước. Họ cho rằng Việt Nam đang quay lại thời làm căn cước như chính quyền Việt Nam Cộng hòa (trước ngày 30/4/1975); “Gắn chíp thẻ căn cước công dân chỉ có một vài quốc gia “kém dân chủ” mới sử dụng”; hay: “đây là màn “Quay xe”, “Cài số lùi”. Họ đánh vào tâm lý ngại thay đổi của người dân với luận điệu “Luật Căn cước mới có hiệu lực thì người dân phải làm lại căn cước”; “tốn kém thời gian, công sức” “thẻ CCCD bị gắn chíp, người dân bị theo dõi, định vị”… Từ đó, chỉ trích Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền nhằm gây mất ổn định về tình hình an ninh, trật tự. Tuy nhiên, đây là luận điệu xuyên tạc, sai sự thật, không có căn cứ, với mục đích tạo nên dư luận trái chiều, chống đối việc triển khai chiến dịch cấp thẻ căn cước đối với Nhân dân. Do đó, Nhân dân cần phải cảnh giác với những luận điệu này, bởi những lý do sau:
Thứ nhất, quy định rõ tại Điều 46 Luật Căn cước, căn cước công dân đã được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được ghi trong thẻ; chỉ khi nào căn cước công dân hết giá trị sử dụng hay người dân có nhu cầu hoặc bị mất, hỏng thì được đổi sang thẻ căn cước theo luật mới. Như vậy, Luật quy định chuyển tiếp theo hướng chứng minh nhân dân (CMND) còn thời hạn sử dụng đã được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì được sử dụng đến hết ngày 31/12/2024; các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ CMND vẫn giữ nguyên hiệu lực pháp luật. Cơ quan quản lý Nhà nước không được quy định các thủ tục về thay đổi, điều chỉnh thông tin liên quan đến CMND, thẻ căn cước công dân (CCCD) trong các giấy tờ đã cấp. Tóm lại, việc thay đổi mẫu thẻ căn cước (sau khi Luật có hiệu lực thi hành) không tác động đến những người đã được cấp thẻ CCCD hiện nay; những thẻ CCCD đã được cấp sẽ vẫn có giá trị đến hết thời hạn sử dụng được ghi trong thẻ. Người dân không phải làm lại căn cước sau khi Luật có hiệu lực thi hành.
Thứ hai, theo quy định hiện nay thì “Chíp điện tử lưu trữ thông tin cơ bản của công dân được gắn ở mặt sau thẻ căn cước công dân” (điểm d, khoản 3, Điều 3 Thông tư số 06/2021/TT-BCA ngày 23/01/2021 của Bộ Công an) và Chíp điện tử gắn vào thẻ căn cước không theo dõi được công dân vì không có chức năng định vị; thông tin lưu trữ trên chíp cần phải có công cụ chuyên dụng để đọc và mã hóa. Tất cả các thông tin được lưu trữ đều được bảo mật, bảo đảm an ninh, an toàn do Ban Cơ yếu Chính phủ thực hiện.
Thứ ba, hiện nay đang có rất nhiều loại giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền cấp cũng không gắn từ “Công dân” vào phía sau như hộ chiếu, bảo hiểm…Do đó, việc chỉnh lý thuật ngữ này cũng là chuyện bình thường, hợp lý, không phải như suy diễn của các phần tử phản động, chống đối. Sự chỉnh lý này còn nhằm phù hợp với xu thế hội nhập sâu rộng của nước ta với thế giới, bởi một số quốc gia trên thế giới cũng có cách gọi tên ngắn gọn là “căn cước” mà không cần thêm từ “công dân”; cùng với đó sự điều chỉnh này còn tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho nước ta trong việc quản lý dân cư, mở rộng đối tượng cho các trường hợp “Công dân gốc Việt Nam sinh sống tại Việt Nam nhưng không có quốc tịch”. Việc đổi tên thẻ cũng không làm phát sinh thủ tục, chi phí đổi thẻ với người dân vì theo Luật Căn cước công dân, các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân vẫn nguyên hiệu lực pháp luật; Thẻ căn cước công dân có giá trị như thẻ căn cước được quy định tại Luật này.
Thứ tư, thẻ căn cước được thiết kế tuân thủ theo tiêu chuẩn chung của tổ chức hàng không dân dụng quốc tế. Thẻ có tính bảo mật cao, tích hợp được nhiều thông tin của công dân hơn so với căn cước công dân mã vạch trước đây, nên khi người dân đi làm các thủ tục hành chính hoặc các giao dịch khác, chỉ cần mang thẻ căn cước công dân hoặc thẻ căn cước có gắn chíp.
Vì vậy, Nhân dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác, phòng ngừa với các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, chống đối; tin tưởng rằng chủ trương cấp căn cước gắn chíp điện tử là đúng đắn và tự giác phối hợp, giúp cho cơ quan chức năng hoàn thành việc cấp căn cước gắn chíp điện tử để góp phần tạo bước đột phá quan trọng trong quá trình chuyển đổi số ở nước ta./.