Sự cần thiết phải tách Luật Giao thông đường bộ thành hai luật: Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ

Chủ nhật - 02/07/2023 22:10 2.342 0
Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 đã thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, trong đó bổ sung đối với dự án Luật Đường bộ và Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ sẽ được trình cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023) và thông qua tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024)
Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 04/9/2012 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông đề ra yêu cầu tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện hệ thống pháp luật về trật tự, an toàn giao thông phù hợp với tình hình mới. Ngày 01/02/2019, Ban Bí thư ban hành Kết luận số 45-KL/TW về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18-CT/TW, trong đó xác định: công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông là một nội dung của công tác bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 16/01/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, trong đó đề ra một trong những giải pháp chủ yếu là: sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan để tạo thuận lợi cho phát triển hạ tầng. Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV (2021-2026) của Đảng Đoàn Quốc hội khóa XV, trong đó đề ra nhiệm vụ nghiên cứu xây dựng dự án Luật điều chỉnh nội dung về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ để xem xét bổ sung vào Chương trình năm 2022 - 2023. Gần đây nhất, Chỉ thị số 23-CT/TW, ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới” có quy định “Xây dựng ban hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ”. Như vậy, việc hoàn thiện thể chế pháp luật trong lĩnh vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ là tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của Đảng, Nhà nước qua các thời kỳ, là sự cụ thể hóa Hiến pháp để giải quyết những vấn đề thực tiễn về trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới.
Trước sự phát triển nhanh chóng của mạng lưới giao thông vận tải đường bộ cả về kết cấu hạ tầng cũng như số lượng phương tiện, người tham gia giao thông đã đặt ra yêu cầu cấp bách cần phải hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Do đó, việc xây dựng, ban hành Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ là cần thiết, thể hiện ở các điểm sau:
Một là, bổ sung những thiếu hụt về chính sách an toàn giao thông
Luật Giao thông đường bộ năm 2008 được xây dựng và ban hành trên cơ sở sửa đổi Luật Giao thông đường bộ năm 2001, trong bối cảnh hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ còn hạn chế, phương tiện chủ yếu là mô tô, xe gắn máy; Quy tắc giao thông hiện nay chưa rõ, chưa đầy đủ và sát thực tiễn tình hình giao thông tại Việt Nam; không quy định đầy đủ, cụ thể về các chế định bảo đảm trật tự, an toàn giao thông liên quan, như: giải quyết tai nạn giao thông; tổ chức, chỉ huy, điều khiển giao thông, giải quyết ùn tắc giao thông, giải quyết các vấn đề an ninh trật tự, sự kiện trên các tuyến giao thông. Tình hình trật tự, an toàn giao thông đường bộ còn nhiều diễn biến phức tạp, tai nạn giao thông vẫn ở mức cao và nghiêm trọng, nhất là số người chết, luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn cho người, phương tiện khi tham gia giao thông (trung bình hàng năm có gần 9 nghìn người chết, gần 30 nghìn người bị thương, trong đó chủ yếu trong độ tuổi lao động, ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội; đáng chú ý nguyên nhân gây tai nạn giao thông do lỗi của người tham gia giao thông chiếm trên 90% số vụ). Tình trạng ngang nhiên vi phạm, coi thường pháp luật khi tham gia giao thông vẫn diễn ra phổ biến, văn hóa giao thông còn nhiều yếu kém; các loại tội phạm hoạt động trên các tuyến giao thông đường bộ diễn biến phức tạp. Quy định về nâng cao chất lượng an toàn kỹ thuật phương tiện giao thông và bảo vệ môi trường chưa đáp ứng tình hình mới, cụ thể: phương tiện giao thông tăng nhanh, chủ yếu là các phương tiện cá nhân, toàn quốc đã đăng ký quản lý 5.897.657 xe ô tô (gấp hơn 6,9 lần so với từ năm 2008 trở về trước), 72.437.859 xe mô tô, xe gắn máy (gấp 2,9 lần  so với từ năm 2008 trở về trước); ùn tắc giao thông phức tạp tại các thành phố lớn do lưu lượng phương tiện tăng đột biến, trong khi quy hoạch giao thông, tổ chức giao thông, hạ tầng giao thông chưa đáp ứng yêu cầu, gây tắc nghẽn trên diện rộng tại các đô thị lớn và trên các tuyến cao tốc, quốc lộ trọng điểm, gây ra những thiệt hại không nhỏ về kinh tế, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và đời sống của Nhân dân, tác động không tốt đến môi trường du lịch, thu hút đầu tư nước ngoài và hình ảnh của Việt Nam đối với bạn bè quốc tế.
Hai là, bổ sung những thiếu hụt về chính sách đầu tư, xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ
Phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ hiện đại chưa đạt yêu cầu, chưa cân đối giữa các vùng, miền. Nhiều tuyến đường nhất là ở các vùng nông thôn, vùng sâu có quy mô kỹ thuật thấp chưa được cải tạo nâng cấp, mở rộng, chưa đáp ứng nhu cầu vận tải và tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông. Hệ thống đường nông thôn những năm qua đã có bước phát triển, tuy nhiên vẫn còn nhiều hạn chế. Có thể thấy Luật Giao thông đường bộ năm 2008 tuy đã có quy định về chính sách về quy hoạch đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng, vận hành bảo trì, quản lý vận tải đường bộ nhưng chưa đầy đủ và cụ thể, thiếu cơ chế thu hút nguồn lực đầu tư, về bảo trì, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng... Thực tế cho thấy khi đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng thực hiện các dự án đầu tư hạ tầng giao thông đường bộ gặp nhiều khó khăn về cơ sở pháp lý.
Ba là, bổ sung những thiếu hụt về chính sách vận tải đường bộ
Vận tải đường bộ hiện phải đảm nhận tỷ trọng lớn (chiếm khoảng hơn 70% vận tải hành khách và hàng hóa trong tổng số các loại hình vận tải), không cân đối với các phương thức vận tải khác; chất lượng dịch vụ đã được nâng cao nhưng chưa đồng đều, còn có các đơn vị vận tải nhỏ lẻ, manh mún; hiệu quả kinh doanh chưa cao; công tác quản lý lái xe còn bất cập; thiếu cơ sở dữ liệu quản lý chặt chẽ người lái xe kinh doanh vận tải. Các loại hình kinh doanh vận tải chưa được phân định rõ ràng, dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh; quy định về điều kiện kinh doanh trong đó có các thiết bị quan trọng như giám sát hành trình, camera hành trình chưa cụ thể dẫn đến hiệu quả quản lý hạn chế. Kinh doanh vận tải là kinh doanh có điều kiện nhưng Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định chưa rõ, chưa đủ cơ chế, chính sách để phát triển tương xứng với nhu cầu xã hội.
Bốn là, khắc phục những hạn chế, bất cập về kết cấu và phân công trách nhiệm quản lý nhà nước trong Luật Giao thông đường bộ năm 2008
Trước năm 2001, các quy định về trật tự, an toàn giao thông; đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải đường bộ là 3 lĩnh vực khác nhau được điều chỉnh riêng biệt ở các văn bản dưới luật. Năm 2001, Quốc hội thông qua Luật Giao thông đường bộ và năm 2008 thông qua Luật thay thế, tiếp tục điều chỉnh đồng thời 3 lĩnh vực khác nhau là: (1) An toàn giao thông; (2) Kết cấu hạ tầng giao thông; (3) Vận tải đường bộ.
Thực tiễn cho thấy an toàn giao thông, kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải đường bộ là 3 lĩnh vực rất lớn, mục tiêu, đối tượng điều chỉnh khác nhau, nhưng lại được điều chỉnh trong cùng một luật dẫn đến không thể quy định đầy đủ, cụ thể, rõ ràng nhiều nội dung quan trọng thuộc từng lĩnh vực, phải ban hành rất nhiều văn bản dưới luật để hướng dẫn thực hiện. Trong đó, an toàn giao thông thuộc lĩnh vực trật tự, an toàn xã hội; xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải đường bộ thuộc lĩnh vực kinh tế, kỹ thuật, liên quan đến đầu tư, quản lý tài sản công và tuân theo quy luật thị trường. Theo đó, các quy phạm pháp luật, điều khoản, chương, mục của Luật Giao thông đường bộ năm 2008 chỉ có thể áp dụng cho một lĩnh vực, không thể đồng thời áp dụng được cho cả 3 lĩnh vực.
Về nguyên tắc việc phân công, phân cấp giữa các bộ, ngành, địa phương trong quản lý nhà nước phải rõ, cụ thể, xác định cơ quan chịu trách nhiệm chính về lĩnh vực được giao mới có thể góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Tuy nhiên, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 không quy định rõ cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, dẫn đến quá trình thực hiện thiếu nhất quán, đồng bộ, nhất là giữa cơ quan quản lý nhà nước về an ninh, trật tự và cơ quan quản lý nhà nước về hạ tầng, kinh tế, kỹ thuật. Trong khi đó, Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII đã xác định: một cơ quan thực hiện nhiều việc và một việc chỉ giao một cơ quan chủ trì thực hiện cũng như chịu trách nhiệm chính.
Năm là, phù hợp với xu thế lập pháp và kinh nghiệm quốc tế
Trong quá trình xây dựng dự án Luật, cơ quan soạn thảo đã trao đổi kinh nghiệm và nghiên cứu, tham khảo pháp luật của nhiều quốc gia, cho thấy việc xây dựng luật về an toàn giao thông (trật tự, an toàn giao thông), luật về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, luật riêng về vận tải đường bộ gắn với dịch vụ logistic là phổ biến.
Chính phủ cũng cho ý kiến việc xây dựng Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ thì có xây dựng luật về các lĩnh vực đường thuỷ, đường sắt, đường không và đường hàng hải hay không? Về vấn đề này, thực tế cho thấy tai nạn giao thông đường bộ phức tạp nhất, chiếm 97% các vụ so với các loại hình giao thông khác, tính chất, điều kiện an toàn giao thông, mật độ giao thông khác nhau và liên quan trực tiếp, hàng ngày với từng người dân do đó cần thiết phải ưu tiên nghiên cứu xây dựng luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ trước.
Như vậy, ban hành Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ với mục tiêu xây dựng thói quen, ý thức tự giác và hình thành văn hóa giao thông hiện đại, đề cao bảo vệ tính mạng, tài sản, quyền con người khi tham gia giao thông; ban hành Luật Đường bộ với mục tiêu phát triển hạ tầng giao thông, quản lý vận tải, thích ứng với sự thay đổi, phát triển nhanh của kinh tế, xã hội, khoa học, kỹ thuật, hướng tới phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, vận tải hiện đại, đồng bộ, chất lượng. Việc tách và xây dựng, ban hành hai Luật là đòi hỏi tất yếu, khách quan, cấp bách của thực tiễn, phù hợp với quy luật phát triển, phù hợp với xu hướng xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật của Việt Nam trong điều kiện xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, theo Nghị quyết 27-NQ/TW, ngày 08/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.

Tác giả bài viết: Phan Văn Thanh Hải - Phòng Tham mưu

Tổng số điểm của bài viết là: 20 trong 10 đánh giá

Xếp hạng: 2 - 10 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Đường dây nóng
Lịch tiếp công dân
Cổng thông tin BCA
Văn bản pháp luật
Dịch vụ công trực tuyến
Hộp thư góp ý
Chuyển đổi số
Bộ Pháp điển
Đối tượng truy nã
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập229
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm227
  • Hôm nay36,192
  • Tháng hiện tại2,582,934
  • Tổng lượt truy cập112,734,139
phieukhaosat
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây