CÔNG AN TỈNH HẬU GIANGhttps://congan.haugiang.gov.vn, congan.haugiang.gov.vn/uploads/logoca.png
Thứ sáu - 24/05/2024 04:272.7160
Thời gian qua, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc nói chung, Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Hậu Giang nói riêng đã triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, trong đó tập trung xử lý các hành vi vi phạm là nguyên nhân chủ yếu gây ra tai nạn giao thông, đặc biệt là vi phạm về nồng độ cồn. Chủ trương này nhận được sự đồng tình, ủng hộ của đông đảo Nhân dân, qua đó, tác động rất lớn đến tâm lý của người tham gia giao thông với khẩu hiệu “Đã uống rượu, bia không lái xe”, góp phần kéo giảm đáng kể tai nạn giao thông. Tuy nhiên, cá biệt một số trường hợp lại đưa ra những luận điệu, quan điểm xuyên tạc nhằm hạ thấp uy tín, phủi bỏ vai trò, công sức của lực lượng Công an trong công tác xử lý vi phạm nồng độ cồn.
1. Nhận diện quan điểm sai trái, chưa đồng tình với việc tăng cường xử lý vi phạm nồng độ cồn Song song với đại đa số ý kiến rất đồng tình, ủng hộ việc lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm nồng độ cồn thì các thế lực thù địch, các đối tượng xấu đi ngược lại với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước bằng cách đăng tải, chia sẻ trên các trang mạng xã hội như trang facebook Việt Tân cho rằng “Càng thổi thì bụng công an càng lớn!”; “85% tiền lại quả là động lực lớn để công an túa ra bắt dân”; “bắt thổi mãi đến hiện ra cồn thì thôi”; “Nhậu nhiều vợ buồn, nhậu ít bạn buồn, còn không nhậu Công an buồn”… và những thông tin mang tính quy chụp vụ việc “người đàn ông tẩm xăng tự thiêu” do vi phạm, bị xử lý vi phạm nồng độ cồn tại Thành phố Hồ Chí Minh hay “thấy bị xử lý nồng độ cồn coi như không còn tết”… Đây là những luận điệu với chủ đích xuyên tạc, chống đối, chia rẽ của các thế lực thù địch cũng như những quan điểm tiêu cực mang tính cá nhân của một bộ phận người vi phạm nồng độ cồn bị xử lý. Những nhận thức sai lệch ấy có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định pháp luật. Bên cạnh đó, vẫn có một số ý kiến, quan điểm cho rằng việc xử lý vi phạm nồng độ cồn sẽ ảnh hưởng xấu đến kinh tế, đặc biệt là ngành du lịch và sản xuất rượu, bia. Về vấn đề này, chúng ta cần phải đánh giá khách quan, toàn diện hơn vì việc xử lý vi phạm nồng độ cồn và doanh thu của các doanh nghiệp kinh doanh rượu, bia là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau. Việc lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn nhằm răn đe, kịp thời xử lý những trường hợp đã sử dụng rượu, bia mà vẫn tham gia giao thông, để hạn chế đến mức thấp nhất tai nạn giao thông, tác hại của lạm dụng bia, rượu gây ra, góp phần bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và bảo vệ tính mạng, sức khỏe của toàn thể Nhân dân. Hiện tại các văn bản pháp luật không có quy định cấm công dân sử dụng rượu, bia và các thức uống có cồn mà chỉ khuyến cáo người dân không nên lạm dụng rượu, bia. 2. Tác hại của việc lạm dụng rượu, bia Thói quen sử dụng rượu, bia đã tồn tại lâu đời ở Việt Nam, nhất là trong các đám hỏi, đám cưới, đám ma, tiệc sinh nhật, tất niên, tân niên... Sử dụng rượu, bia ở liều lượng chừng mực, trên một số cá nhân có thể mang lại tác động tích cực nhất định. Tuy nhiên, đa phần người sử dụng rượu, bia đều bị ảnh hưởng đến sức khỏe, nghiêm trọng hơn là có thể dẫn đến nhiều loại bệnh như: Gây ung thư (gan, khoang miệng, họng, thanh quản, thực quản, tuỵ, thận, đại - trực tràng, vú); gây rối loạn tâm thần kinh (loạn thần, trầm cảm, rối loạn lo âu, giảm khả năng tư duy); bệnh tim mạch (nhồi máu cơ tim, đột quỵ); bệnh tiêu hóa (tổn thương gan, xơ gan, viêm tụy cấp tính hoặc mạn tính); ảnh hưởng tới chất lượng giống nòi và phát triển bào thai; suy giảm miễn dịch… Ngoài ra, có thể gây ra gánh nặng kinh tế đối với cá nhân, gia đình và xã hội do các phí tổn về chăm sóc sức khỏe, giảm hoặc mất năng suất lao động và giải quyết các hậu quả xã hội khác.
Bên cạnh đó, việc sử dụng rượu, bia dẫn đến say xỉn, không kiểm soát, kiềm chế được hành vi của bản thân dễ gây ra nhiều hệ lụy cho chính bản thân người sử dụng, gia đình và những người xung quanh, phổ biến nhất là vợ chồng cãi vã, chồng đánh đập vợ con, con cái cãi lời cha mẹ, dễ biến thành những kẻ đồi bại, hiếp dâm, giao cấu với trẻ em, đánh nhau gây thương tích, gây rối trật tự công cộng, đua xe trái phép, giết người… Đặc biệt, có những người sử dụng rượu, bia nhưng vẫn trực tiếp điều khiển phương tiện tham gia giao thông, lúc này hệ thần kinh trung ương của người lái xe bị ảnh hưởng bởi chất cồn trong rượu, bia, gây ra ảo giác, mất khả năng tự chủ, định hướng, điều khiển vận động, làm giảm khả năng lái xe; từ đó, nguy cơ gây ra tai nạn giao thông rất cao. Ngoài ra, trong trường hợp người đã uống rượu, bia tham gia giao thông gây thiệt hại cho người khác (về tài sản, sức khỏe, tính mạng) thì có thể bị xem xét xử lý trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) với khung hình phạt tù cao nhất là 15 năm. Vì vậy, việc lái xe sau khi sử dụng rượu, bia là một hành động rất nguy hiểm và có thể gây hậu quả nghiêm trọng cho bản thân, cũng như người tham gia giao thông khác. 3. Đảng, Chính phủ, ngành Công an và Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang chỉ đạo quyết liệt xử lý vi phạm về nồng độ cồn Ngày 14/6/2019, Quốc hội thông qua Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2020. Tại khoản 6 Điều 5 của Luật này quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong phòng, chống tác hại của rượu, bia: “Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”. Bên cạnh đó, thời gian qua, Ban Bí thư, Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông nói chung, xử lý vi phạm về nồng độ cồn nói riêng như: Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới; Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 19/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới; Thông báo số 388/TB-VPCP ngày 21/9/2023 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tại cuộc họp Thường trực Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, trong đó giao Bộ Công an: “Duy trì thường xuyên việc tuần tra, xử lý vi phạm theo chuyên đề, nhất là chuyên đề về kiểm soát nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông”. Trước đó, ngày 30/12/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, có hiệu lực thi hành cùng với Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia và thay thế Nghị Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016; theo đó, có rất nhiều hành vi vi phạm quy định tại Nghị định số 100/2019/NĐ-CP có mức xử phạt tăng rất cao so với quy định cũ, nhất là vi phạm về nồng độ cồn (Ví dụ: Theo điểm a khoản 10 Điều 5 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định mức phạt tối đa đối với trường hợp điều khiển xe ô tô trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở là 40 triệu đồng, tăng 22 triệu đồng và tăng gấp hơn 2,2 lần so với Nghị định số 46/2016/NĐ-CP).
Đối với địa bàn tỉnh Hậu Giang, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình số 189-CTr/TU ngày 10/7/2023 về thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới (Ủy ban nhân dân tỉnh đã cụ thể bằng Kế hoạch số 175/KH-UBND ngày 13/9/2023); Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Chỉ thị số 05/CT-UBND ngày 02/3/2023 của về việc thực hiện nghiêm quy định về không điều khiển phương tiện cơ giới tham gia giao thông khi đã uống rượu, bia; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 96/KH-UBND ngày 04/5/2023 về thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 19/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới. Trong các văn bản này đều thể hiện quan điểm nhất quán của lãnh đạo tỉnh trong xử lý nồng độ cồn; đặc biệt, quy định cán bộ, công chức, viên chức nghiêm chỉnh chấp hành quy định về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, nếu vi phạm sẽ bị xem xét xử lý kỷ luật và nghiêm cấm các hành vi can thiệp vào công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính của lực lượng thực hiện nhiệm vụ.
4. “Không có vùng cấm, không có ngoại lệ” trong xử lý vi phạm về nồng độ cồn Thời gian qua, lực lượng Cảnh sát giao thông đã tập trung xử lý rất quyết liệt các vi phạm trên lĩnh vực trật tự an toàn giao thông, nhất là vi phạm nồng độ cồn theo đúng tinh thần chỉ đạo của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Bộ Công an để tạo thói quen người tham gia giao thông khi đã uống rượu bia thì không lái xe; việc xử lý vi phạm giao thông đảm bảm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Thực tế đã các trường hợp vi phạm nồng độ cồn là công chức, viên chức, nhà báo,… đặc biệt có trường hợp hiện đang là Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện; tất cả những trường hợp này đều bị lực lượng Cảnh sát giao thông lập biên bản và xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật. Chấp hành nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của cấp trên, lực lượng Cảnh sát giao thông tỉnh Hậu Giang đã ra quân xử lý quyết liệt hành vi vi phạm về nồng độ cồn và thông báo các trường hợp vi phạm về cơ quan, tổ chức, đơn vị mà người vi phạm công tác, lao động. Qua thống kê, trong năm 2023, Công an tỉnh Hậu Giang đã tiến hành xử phạt, xử lý đối với 25 trường hợp cán bộ, công chức, viên chức. Ngoài ra, Giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo 100% cán bộ, chiến sỹ ký cam kết tuyệt đối không điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi đã uống rượu, bia; không can thiệp vào công tác xử lý vi phạm của lực lượng Cảnh sát giao thông.
5. Đông đảo Nhân dân đồng tình ủng hộ
Anh Lưu Thanh Quang, đăng ký thường trú tại Phường 1, thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang cho biết: “Qua nghe các thông tin tuyên truyền về tác hại của rượu, bia, việc tăng cường xử lý nghiêm vi phạm về nồng độ cồn trên các phương tiện truyền thông, bản thân nhận thấy đây là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước và Ngành Công an. Do đó, thời gian qua khi tham gia các bữa tiệc mà có uống rượu, bia thì tôi sẽ nhờ người thân hoặc đặt xe ôm, xe taxi đưa đón để chấp hành đúng quy định của pháp luật, cũng như tự bảo vệ an toàn cho bản thân và những người tham gia giao thông khác”.
Chị Lê Thị Bé, đăng ký thường trú tại thị trấn Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang cho biết: “Qua theo dõi tôi thấy việc tăng cường công tác kiểm tra, xử lý quyết liệt vi phạm nồng độ cồn của lực lượng Cảnh sát giao thông Công an Hậu Giang thời gian qua đã được các cấp, các ngành và Nhân dân đánh giá cao, rất đồng tình ủng hộ, việc xử lý vi phạm không kể bất kỳ ai, làm nghề gì. Việc xử lý vi phạm về nồng độ cồn không chỉ góp phần bảo đảm tình hình trật tự, an toàn giao thông, hạn chế tai nạn giao thông mà còn giúp phòng ngừa nhiều hành vi phạm tội, vi phạm pháp luật khác do người uống rượu, bia say gây ra như: đánh nhau gây thương tích, gây rối trật tự công cộng, tình trạng đua xe, lạng lách, đánh võng… mà còn giúp các gia đình sống hạnh phúc hơn, xóm làng bình yên hơn, người dân bớt đi nỗi lo khi ra đường gặp các lái xe say xỉn trên đường phố”. Cùng quan điểm với anh Quang, chị Bé, nhiều người dân rất mong muốn lực lượng Cảnh sát giao thông tiếp tục tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn để hạn chế, ngăn chặn hậu quả tai nạn giao thông và góp phần bảo đảm an ninh, trật tự. Qua công tác tuyên truyền, tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm vi phạm đã nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân về việc “đã uống rượu bia thì không lái xe”. Điều này thể hiện rất rõ trong đời sống sinh hoạt hằng ngày của người dân, thậm chí tác động vào từng bữa cơm gia đình, buổi tiệc, liên hoan; trước đây rất dễ gặp tình huống mời nhau, ép nhau sử dụng bia, rượu nhưng hiện nay tình trạng này dường như rất ít xảy ra. 6. Khuyến cáo Nhân dân Từ những cơ sở trên, việc lực lượng Cảnh sát giao thông tăng cường công tác tuyên truyền, tuần tra, kiểm soát, kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn đối với người tham gia giao thông thời gian qua là thực hiện nghiêm chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Đây là hoạt động “chấp pháp” thường xuyên, đúng với tinh thần chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và Bộ Công an nhằm đảm bảo phòng, chống tác hại của rượu, bia, góp phần nâng cao ý thức của người dân trong việc chấp hành pháp luật nói chung và Luật Giao thông đường bộ nói riêng, làm giảm tai nạn giao thông trên cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết, số người bị thương. Theo thống kê, năm 2023, toàn quốc xảy ra 22.061 vụ, làm chết 11.626 người, bị thương 15.292 người. So với năm 2022, giảm 1.284 vụ (giảm 5,5%), giảm 1.912 người chết (giảm 14,1%), tăng 660 người bị thương (tăng 4,5%). Trước thực trạng vi phạm, tình trạng tai nạn giao thông liên quan nồng độ cồn thời gian qua; mỗi cán bộ, đảng viên cùng với người thân, gia đình, bạn bè và các tầng lớp Nhân nên nên có những nhận thức đúng đắn đối với hoạt động kiểm soát, xử lý vi phạm nồng độ cồn như sau: Một là, lực lượng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện nhiều hơn, triệt để hơn trong công tác xử lý vi phạm nồng độ cồn với tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Hai là, xây dựng và tuyên truyền cho mọi người xung quanh về một nếp sống văn minh, văn hóa, lành mạnh “ĐÃ UỐNG RƯỢU, BIA THÌ KHÔNG LÁI XE”. Ba là, thường xuyên tuyên truyền, vận động giúp người thân, bạn bè nắm, hiểu và thực hiện những biện pháp “cân bằng”, phù hợp giữa việc sử dụng rượu bia với đảm bảo an toàn giao thông, không để vi phạm nồng độ cồn. Điển hình như có thể sử dụng các loại hình xe taxi, “xe ôm công nghệ”… để đảm bảo an toàn cho bản thân và chấp hành đúng pháp luật về trật tự, an toàn giao thông. Bốn là,tuyệt đối không đăng tải, chia sẻ, bình luận những thông tin xấu, độc, sai sự thật hay những thông tin chưa qua kiểm chứng, chưa có cơ sở xác thực. Hãy đăng tải, chia sẻ những thông tin tích cực, kịp thời tố giác những hành vi đăng tải thông tin xấu, độc, sai sự thật liên quan việc kiểm soát, xử lý vi phạm nồng độ trên địa bàn tỉnh.