CÔNG AN TỈNH HẬU GIANGhttps://congan.haugiang.gov.vn, congan.haugiang.gov.vn/uploads/logoca.png
Thứ năm - 08/08/2024 09:011.2370
Trong âm mưu “diễn biến hòa bình”, các thế lực thù địch triệt để lợi dụng các vấn đề tôn giáo để chống phá, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Việc nhìn nhận sự thật khách quan, bác bỏ các luận điệu xuyên tạc có ý nghĩa quan trọng trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ngày 03/9/1945, tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định việc thực hiện chính sách tôn trọng tự do tôn giáo, đoàn kết lương giáo là một trong những vấn đề cấp bách cần giải quyết, Người đã đề nghị “Chính phủ ta tuyên bố: tín ngưỡng tự do và lương giáo đoàn kết”(1), sau đó, tinh thần này đã được cụ thể hóa vào Hiến pháp năm 1946, tại Điều 10 với nội dung: “Công dân Việt Nam có quyền tự do tín ngưỡng”.Điều đó cho thấy ngay từ những ngày đầu giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng, Nhà nước ta đã đặc biệt quan tâm đến công tác tôn giáo và quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Nhân dân.
Từ khi đất nước đổi mới đến nay, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản liên quan đến tôn giáo và công tác tôn giáo; tất cả đều khẳng định quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Nhân dân và Nhà nước luôn quan tâm, tạo điều kiện, bảo đảm các tôn giáo hoạt động, phát triển theo đúng Hiến chương, Điều lệ; nghiêm cấm các hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để hoạt động vi phạm pháp luật. Cụ thể, tại Điều 24, Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo”, sau đó, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo ra đời vào năm 2016 để cụ thể hóa tinh thần này của Hiến pháp, tạo cơ sở pháp lý bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Nhân dân. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã nêu rõ quan điểm chỉ đạo:“Thực hiện tốt các chính sách về dân tộc, tôn giáo và bảo đảm tự do tín ngưỡng, tôn giáo” (2), đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Đảng tiếp tục khẳng định: “Bảo đảm cho các tổ chức tôn giáo hoạt động theo quy định pháp luật và Hiến chương, Điều lệ được Nhà nước công nhận. Phát huy những giá trị văn hoá, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước”(3). Những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đã tạo điều kiện để các tôn giáo ngày càng phát triển lớn mạnh. Các tổ chức tôn giáo được tạo điều kiện thuận lợi trong việc hành đạo, xây dựng cơ sở thờ tự, in ấn, phát hành kinh sách; các sự kiện tôn giáo như Lễ Giáng sinh, Lễ Phật Đản được tổ chức với quy mô lớn, thu hút nhiều tín đồ và người dân tham gia. Tuy nhiên, thời gian qua, các thế lực thù địch, phản động ra sức dùng mọi luận điệu xuyên tạc về vấn đề tôn giáo tại Việt Nam nhằm gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, gây bất ổn chính trị - xã hội.Phương thức, thủ đoạn thường dùng là tán phát tài liệu trên các phương tiện truyền thông đại chúng, nhất là mạng xã hội để xuyên tạc chính sách, pháp luật về tôn giáo của Đảng và Nhà nước không phù hợp với luật pháp quốc tế về quyền con người, trong đó có quyền tự do tôn giáo; thổi phồng những sơ hở, thiếu sót trong quản lý nhà nước về hoạt động tự do tôn giáo; lợi dụng những sự kiện chính trị nhạy cảm, các vấn đề tiêu cực trong xã hội, các vụ việc phức tạp liên quan tôn giáo như mâu thuẫn, tranh chấp đất đai, cơ sở vật chất trong lĩnh vực tôn giáo để kích động chức sắc, tín đồ chống Đảng, Nhà nước. Một ví dụ điển hình như vụ “Tịnh thất Bồng Lai”, tuy rằng đây không phải là một cơ sở tôn giáo, nhóm người tại đây chỉ mượn danh tôn giáo để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật và quá trình điều tra, xét xử, tuyên án của các cơ quan tiến hành tố tụng là đúng quy định pháp luật nhưng các trung tâm thông tin chống phá bên ngoài tăng cường các luận điệu xuyên tạc, cho rằng chính quyền muốn “triệt tiêu” một tổ chức đang thực hành quyền tự do tôn giáo, vu khống Việt Nam đàn áp tôn giáo, ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế. Mục đích cuối cùng là quốc tế hóa vấn đề tôn giáo ở Việt Nam, tạo cớ để quốc tế can thiệp vào công việc nội bộ của nước ta, gây ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế; ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước; giảm lòng tin của quần chúng tín đồ vào Đảng, Nhà nước, chế độ.
Nhìn chung, đồng bào các tôn giáo trên địa bàn Hậu Giang hoạt động, sinh hoạt theo đúng quy định của pháp luật và Hiến chương của tôn giáo; chức sắc, chức việc luôn tích cực phát huy vai trò tuyên truyền, vận động tín đồ tham gia phong trào yêu nước và các hoạt động an sinh xã hội; Nhân dân trong các vùng có đạo sống hòa thuận, yên bình, đoàn kết lương - giáo được thắt chặt; mối quan hệ giữa các tổ chức tôn giáo với chính quyền ngày càng cởi mở, gắn bó. Tuy nhiên, dưới tác động chung của tình hình cả nước, nhất là sự phát triển của mạng xã hội, các thông tin sai lệch có điều kiện lan truyền nhanh chóng, rộng rãi;đồng thời, đời sống của một bộ phận tín đồ còn khó khăn,có nguy cơ bị các đối tượng xấu lôi kéo, lợi dụng cũng đã đặt ra nhiều khó khăn, thách thức với công tác bảo đảm an ninh tôn giáo, đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc về công tác tôn giáo trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới. Trước tình hình trên, cấp ủy, chính quyền các cấp đã triển khai, quán triệt thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về công tác tôn giáo, trọng tâm là Nghị quyết số 43-NQ/TW, ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về “Tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc”; Chỉ thị số 18-CT/TW, ngày 20/01/2018 của Bộ Chính trị (Khóa XII) tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (Khóa IX) về công tác tôn giáo trong tình hình mới. Đặc biệt, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp luôn quan tâm thăm hỏi, tặng quà các cơ sở tôn giáo nhân các dịp lễ, Tết; tổ chức đối thoại, lắng nghe ý kiến của đồng bào tôn giáo, qua đó, kịp thời ghi nhận, giải quyết những tâm tư, nguyện vọng, khó khăn, vướng mắc, động viên đồng bào tín đồ “sống tốt đời, đẹp đạo”, cùng Đảng, Nhà nước xây dựng quê hương, Tổ quốc, không để các thế lực thù địch lợi dụng, chia rẽ. Lực lượng Công an đã phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng thường xuyên tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức tôn giáo hoạt động đúng quy định của pháp luật; tham mưu giải quyết kịp thời các vụ việc mới phát sinh từ cơ sở, không để phức tạp, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự tỉnh nhà.
Trên cơ sở quan điểm của Đảng, Nhà nước và một số thủ đoạn xuyên tạc kể trên, để cùng với lực lượng chức năng đấu tranh, làm thất bại các âm mưu của các thế lực thù địch, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, người dân và các tín đồ tôn giáo cần chú ý một số nội dung sau: Thứ nhất, chấp hành đúng quy định của pháp luật về tôn giáo và công tác tôn giáo; tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người khác; không kỳ thị, phân biệt đối xử giữa những người có đạo và không có đạo; giữ gìn, phát huy truyền thống, sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc. Thứ hai, các tín đồ tôn giáo hoạt động theo đúng quy định của pháp luật và Hiến chương, Điều lệ đã được Nhà nước công nhận; không lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để hoạt động trái pháp luật. Khi phát sinh các vấn đề mâu thuẫn, tranh chấp liên quan đến tôn giáo, cần phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, chính quyền địa phương giải quyết, không để các thế lực thù địch lợi dụng kích động, khoét sâu mâu thuẫn, hình thành điểm nóng, phức tạp về an ninh, trật tự. Thứ ba, khi sử dụng mạng xã hội, tuyệt đối không đăng tải, like, chia sẻ những thông tin xuyên tạc về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo và công tác tôn giáo cũng như những nội dung phản ánh không đúng về tình hình tôn giáo tại Việt Nam. Tích cực chia sẻ những chính sách, pháp luật về công tác tôn giáo; các giá trị tốt đẹp của tôn giáo, các hoạt động phát triển tôn giáo gắn với xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thông báo cho lực lượng Công an khi phát hiện các hành vi xuyên tạc, kích động, chống phá Đảng, Nhà nước, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, đặc biệt là liên quan đến các vấn đề tôn giáo để kịp thời ngăn chặn, xử lý. Thứ tư, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước ta trước sau như một, luôn tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và không tín ngưỡng, tôn giáo của Nhân dân; không ngừng củng cố, hoàn thiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, đảm bảo cho các tôn giáo được phát triển ổn định, bền vững và bình đẳng trong khuôn khổ của pháp luật; điều đó phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân và luật pháp quốc tế. Từ đó, cho thấy mọi mọi luận điệu xuyên tạc về các vấn đề tôn giáo ở Việt Nam đều là bịa đặt, không có cơ sở./.
(1) Hồ Chí Minh: toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia Sự Thật, Hà Nội, 2011, t.4, tr.8. (2)Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn Kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia Sự Thật, 2016, tr.304. (3) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn Kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự Thật, 2021, t.I, tr.171.