CÔNG AN TỈNH HẬU GIANGhttps://congan.haugiang.gov.vn, congan.haugiang.gov.vn/uploads/logoca.png
Thứ hai - 28/04/2025 23:51330
Lần giở lại những trang sử vàng của dân tộc trong tháng tư, để thế hệ trẻ hôm nay một lần nữa hiểu sâu sắc hơn từng bước chân “thần tốc”. Một chiến dịch mà ở đó, đã quy tụ được sức mạnh của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta. Đây là kết quả của cả chặng đường dài chiến đấu đầy hy sinh, gian khổ của Nhân dân Việt Nam yêu nước, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Khúc ca khải hoàn của quân và dân Việt Nam được ghi dấu bằng những khúc tráng ca vang dội. Nốt son vang rền đầu tiên đó chính là chiến dịch Tây Nguyên. Mở đầu chiến dịch này là cuộc tiến công táo bạo, bất ngờ giải phóng hoàn toàn thị xã Buôn Ma Thuột vào ngày 11/3/1975 (nay là thành phố Buôn Ma Thuột). Bị choáng váng và sau khi các cuộc điều quân phản kích hòng chiếm lại Buôn Ma Thuột đều bị đánh bại, ngày 14/3/1975, Nguyễn Văn Thiệu và Bộ Tổng tham mưu ngụy đã hốt hoảng đi tới quyết định rút khỏi các tỉnh Plâyku, Kon Tum. Đến ngày 24/3/1975, vùng chiến lược Tây Nguyên với hơn 60 vạn đồng bào các dân tộc đã được giải phóng, 12 vạn quân địch đã bị tiêu diệt.
Xe tăng quân giải phóng tiến công thị xã Buôn Ma Thuột ngày 10/3/1975 trong chiến dịch Tây Nguyên (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Tiếp đến là thắng lợi của chiến dịch Huế - Đà Nẵng. Từ lúc chiến dịch Tây Nguyên mở đầu, quân và dân Trị - Thiên đã phối hợp hoạt động mạnh, tiến công và nổi dậy ở nhiều nơi. Ngày 19/3/1975 toàn bộ tỉnh Quảng Trị được giải phóng. Tiếp đó, quân và dân Thừa Thiên Huế đã hình thành thế bao vây Huế bằng nhiều mũi và khống chế chặn đường rút chạy ra biển và vào Đà Nẵng. Ngày 24/3, Tam Kỳ và Quảng Ngãi được giải phóng. Ngày 26/3/1975, các lực lượng vũ trang nhân dân đã tiến hành hợp vây và cùng với đông đảo lực lượng quần chúng cách mạng nổi dậy tiêu diệt tập đoàn phòng ngự Thừa Thiên Huế gồm 4 vạn tên địch, làm chủ thành phố Huế và toàn bộ tỉnh Thừa Thiên.
Các lực lượng vũ trang giải phóng tiến vào cửa Ngọ Môn (Huế) sáng 26/3/1975 (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Ngày 28/3/1975, pháo binh quân giải phóng mở đầu cuộc tấn công giải phóng Đà Nẵng bằng đòn tập kích hoả lực mãnh liệt vào các vị trí quân sự địch trong thành phố và bán đảo Sơn Trà. Từ các hướng bắc, tây bắc, tây nam và đông nam, các binh đoàn thọc sâu có xe tăng dẫn đầu đã ào ạt tiến vào trung tâm thành phố. Cuộc tiến công Đà Nẵng của các binh đoàn chủ lực, kết hợp với lực lượng vũ trang địa phương và quần chúng nổi dậy đúng lúc kịp thời đã kết thúc sau 33 giờ chiến đấu giành thắng lợi rực rỡ, giải phóng Đà Nẵng, tiêu diệt và làm tan rã hơn 10 vạn quân địch, trong đó có cơ quan Bộ tư lệnh quân đoàn 1 ngụy, đập nát căn cứ liên hợp quân sự mạnh nhất của địch ở miền Trung. Kế hoạch co cụm chiến lược hòng giữ vùng đồng bằng ven biển của địch vừa triển khai đã bị đập tan.
Quân giải phóng hành quân qua cầu Nguyễn Tri Phương, tiến vào Đà Nẵng, ngày 29/3/1975 (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Ngay sau khi Bộ Chính trị quyết định tiến hành chiến dịch giải phóng Sài Gòn lấy tên là chiến dịch Hồ Chí Minh (từ 9/4/1975 đến 30/4/1975). Các binh đoàn chủ lực trên đường hành quân tiến về Sài Gòn đã đánh địch, giải phóng Phan Rang, Bình Thuận, Bình Tuy, Xuân Lộc, đánh chiếm Bà Rịa. Ngày 26/4/1975, cuộc tiến công lớn vào Sài Gòn bắt đầu. Những trận chiến đấu quyết liệt và những trận bão lửa dữ dội diễn ra trước hết ở hướng đông là hướng địch tập trung nhiều lực lượng và tổ chức chống cự rất điên cuồng. Từ khắp các hướng, năm cánh quân lớn phối hợp với các lực lượng vũ trang địa phương và được sự giúp sức của quần chúng nổi dậy, nhất loạt tấn công địch với sức mạnh vũ bão. Từ ngày 26 đến ngày 28/4, một bộ phận quan trọng lực lượng địch trên tuyến phòng thủ vòng ngoài bị tiêu diệt. Các binh đoàn chủ lực của quân giải phóng xiết chặt vòng vây xung quanh Sài Gòn.
Tờ lịch ngày 30/4/1975 (Ảnh: Nguồn Internet)
Ngày 30/4/1975, với sự hiệp đồng chiến đấu rất anh dũng của các lực lượng đặc biệt tinh nhuệ, các lực lượng biệt động, tự vệ vùng ven và nội đô, cùng với sự nổi dậy đều khắp và rất kịp thời của quần chúng trong và ngoài thành phố, các cánh quân hùng mạnh đã thần tốc thọc sâu, tiến thẳng vào chiếm các mục tiêu quan trọng trong thành phố Sài Gòn-Gia Định: Dinh Độc lập, Bộ Tổng tham mưu và Khu Bộ tư lệnh các binh chủng của địch, sân bay Tân Sơn Nhất, Đài phát thanh, Biệt khu thủ đô và Tổng nha cảnh sát. Nhân dân thành phố Sài Gòn hân hoan chào đón các lực lượng vũ trang, con em của mình và cùng bộ đội truy lùng địch, tước vũ khí của chúng, dẫn đường cho bộ đội, bảo vệ các cơ sở kinh tế và văn hoá. Tổng thống ngụy quyền Dương Văn Minh phải tuyên bố đầu hàng không điều kiện. Đúng 11 giờ 30 phút trưa ngày 30/4/1975, lá cờ cách mạng phấp phới tung bay trên cột cờ cao nhất dinh Độc lập, báo hiệu chiến dịch lịch sử mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu toàn thắng, sự nghiệp giải phóng miền Nam toàn thắng. Một lần nữa, sức mạnh Việt Nam - sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc lại đã ngời sáng khi một Sài Gòn được giải phóng. Sài Gòn trưa ngày 30/4 ngập tràn sắc đỏ của rừng cờ, rừng hoa mừng ngày vui đại thắng.
Xe tăng của quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập ngày 30/4 /1975 (Ảnh Tư liệu)
Dinh Độc Lập ngày nay là điểm tham quan và học tập truyền thống của thế hệ trẻ. Ảnh: Xuân Cường
Năm mươi năm đã qua sau ngày đất nước thống nhất, lớp lớp thế hệ Việt Nam hôm nay mãi khắc ghi những cống hiến to lớn, sự hy sinh mất mát của các anh hùng liệt sĩ, những người đã để lại một phần xương máu của mình trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước oai hùng của dân tộc, tiếp bước cha ông, xây dựng một xã hội phát triển, đoàn kết, văn hóa, an ninh, an toàn và nhân văn, góp sức bảo vệ toàn vẹn sáu chữ vàng “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã đấu tranh giành được cho Nhân dân./.
Tác giả bài viết: Hồ Phi Thế, Phòng Tham mưu Công an tỉnh