CÔNG AN TỈNH HẬU GIANGhttps://congan.haugiang.gov.vn, congan.haugiang.gov.vn/uploads/logoca.png
Thứ bảy - 08/02/2025 03:081.6300
Ngày 01/01/2025, Nghị định số 168/2024/NĐ-CP ngày 26/12/2024 của Chính phủ chính thức có hiệu lực thi hành (gọi tắt là Nghị định 168), đây là một trong những văn bản pháp lý mang tính chiến lược nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ, góp phần xây dựng văn hóa giao thông an toàn, vì một xã hội trật tự, kỷ cương, văn minh. Tuy nhiên, thời gian gần đây, trên một số trang mạng xã hội đăng tải nhiều bài viết có nội dung xuyên tạc, chống phá Nghị định 168. 1. Sự cần thiết phải ban hành Nghị định 168 và những điểm mới đáng chú ý của Nghị định 168 Sau hơn 05 năm triển khai thực hiện Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về TTATGT đường bộ, đường sắt (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 123/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021 của Chính phủ), ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT của người dân được nâng lên rõ rệt, từ đó tình hình TTATGT ngày càng ổn định, tai nạn giao thông được kiềm chế, kéo giảm qua các năm. Tuy nhiên, quy định về mức xử phạt đối với nhiều hành vi vi phạm về TTATGT còn chưa theo kịp tình hình thực tế, nhiều hành vi có mức xử phạt còn thấp chưa đủ sức răn đe, giáo dục đối với người vi phạm, từ đó vi phạm pháp luật về TTATGT còn diễn ra phổ biến, nhất là các hành vi là nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông như vi phạm về nồng độ cồn, ma túy, chạy quá tốc độ quy định, không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông (vượt đèn đỏ), biển báo hiệu đường bộ, quay đầu, lùi xe, đi ngược chiều, đi vào đường cấm, khu vực cấm; giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện,… làm cho tình hình TTATGT vẫn còn nhiều nguy cơ diễn biến phức tạp, xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Để triển khai kịp thời Luật TTATGT đường bộ năm 2024 và khắc phục các hạn chế tại Nghị định số 100/2019/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 123/2021/NĐ-CP), ngày 26/12/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 168/2024/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về TTATGT trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2025. Nghị định gồm có 04 chương, 55 điều, trong đó có một số quy định mới như: (1) Bổ sung nhiều quy định về xử phạt vi phạm TTATGT đường bộ; (2) Sửa đổi, bổ sung, mô tả lại các hành vi vi phạm hành chính để phù hợp với quy định tại Luật TTATGT đường bộ; (3) Quy định về trừ điểm, phục hồi điểm Giấy phép lái xe; tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề; (4) Tăng mức phạt tiền đối với một số nhóm hành vi vi phạm; (5) Tịch thu phương tiện vi phạm hành chính; (6) Ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác xử phạt vi phạm hành chính. Trong đó, việc tăng mức phạt tiền đối với một số nhóm hành vi vi phạm là nội dung được người dân đặc biệt quan tâm. Các hành vi vi phạm được quy định tăng mức phạt tiền thuộc về lỗi cố ý của người điều khiển phương tiện, chủ phương tiện, tổ chức kinh doanh vận tải là nguyên nhân chủ yếu gây ra tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông, xâm phạm trật tự quản lý nhà nước về TTATGT đường bộ, cụ thể:
Một số hành vi vi phạm có mức phạt tiền tăng so với trước đây
(1) Một số hành vi, nhóm hành vi vi phạm về quy tắc giao thông: Không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông; biển báo hiệu đường bộ; chạy quá tốc độ, quay đầu, lùi xe, đi ngược chiều, đi vào đường cấm, khu vực cấm, chuyển làn; đi ngược chiều, quay đầu xe, lùi xe trên đường cao tốc; lạng lách, đánh võng; đua xe trái phép, rải vật sắc nhọn trên đường bộ… (2) Một số hành vi, nhóm hành vi vi phạm quy định về điều kiện của người điều khiển phương tiện như: Không có giấy phép lái xe, sử dụng giấy phép lái xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp, sử dụng giấy phép lái xe không hợp lệ; giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện… (3) Một số hành vi, nhón hành vi vi phạm về điều kiện của phương tiện tham gia giao thông, xâm phạm trật tự quản lý nhà nước như: Xe không gắn biển số, gắn biển số không do cơ quan có thẩm quyền cấp, che dán biển số; cơi nới kích thước thùng xe… (4) Một số hành vi, nhóm hành vi vi phạm về vận tải đường bộ như: Chở hàng hóa dạng trụ, hàng hóa là phương tiện mà không chằng buộc hoặc chằng buộc không đúng quy định; chở hàng quá tải; chở quá số người quy định… 2. Cảnh giác trước những luận điệu xuyên tạc, chống phá Nghị định 168 Ngay khi Nghị định 168 có hiệu lực thi hành, các đối tượng phản động, chống đối, các tổ chức truyền thông thiếu thiện chí với Việt Nam đã tăng cường đăng tải trên các nền tảng mạng xã hội nhiều thông tin xuyên tạc, chống phá Nghị định 168, tập trung vào các nội dung nhạy cảm, tác động trực tiếp đến quyền lợi của người tham gia giao thông bằng những dòng “giật tít” như “mức phạt quá cao so với thu nhập trung bình của người dân”, “việc tăng mức xử phạt đối với hành vi vượt đèn đỏ sẽ làm gia tăng tình trạng kẹt xe”, “xử phạt hay trừng phạt”, thậm chí còn cố tình đăng tải các thông tin không có căn cứ, hết sức vô lý như “các cột đèn giao thông bị lỗi là cố ý để giăng bẫy thu tiền”, “việc tăng mức phạt là nhằm tận thu ngân sách Nhà nước, lợi ích nhóm”, “Nghị định 168 ban hành trái pháp luật”… Các đối tượng này thường dùng thủ đoạn cắt ghép, quy chụp, cố tình diễn giải sai các quy định, mục đích, ý nghĩa của quy định pháp luật về TTATGT đường bộ. Chúng lợi dụng chủ nghĩa “dân túy” để dẫn dắt một bộ phận người dân nhẹ dạ, cả tin bằng những luận điệu sai lệch, không đúng với bản chất của vấn đề, thậm chí kích động biểu tình, đình công quy mô lớn gây bất ổn xã hội,… trong đó, có thể kể đến các kênh, trang mạng xã hội hoạt động “rầm rộ” nhất như RFA tiếng Việt, BBC news Tiếng Việt, Việt Tân, Luật Khoa tạp chí…
Một số luận điệu xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch, phản động
Một điều dễ thấy nữa là những luận điệu xuyên tạc, chống phá đều không quan tâm đến mục đích, tính đúng đắn của Nghị định 168 là nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho người dân, xây dựng văn hóa giao thông, xã hội văn minh khi tham gia giao thông. Mục đích của các đối tượng này là muốn đất nước ta trở nên bất ổn về an ninh, trật tự, tác động tiêu cực đến sự phát triển về kinh tế, xã hội để chúng có cơ hội lợi dụng gây bất ổn về chính trị, chống phá chính quyền Nhân dân. 3. Giá trị pháp lý và hiệu quả của Nghị định 168 Thứ nhất, việc ban hành, triển khai thực hiện Nghị định 168 với mục đích cao nhất là bảo đảm quyền con người Ở Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật. Tại Điều 19 Hiến pháp năm 2013 quy định “Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật”. Đồng thời, khoản 1 Điều 20 Hiến pháp năm 2013 cũng quy định “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ…”. Luật TTATGT đường bộ năm 2024 và Nghị định 168 được ban hành chính là để cụ thể hóa các nội dung về quyền con người trong lĩnh vực an ninh, trật tự nói chung và TTATGT nói riêng, điều đó có nghĩa là mọi người đều được pháp luật bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe khi tham gia giao thông, mọi nguy cơ dẫn đến tai nạn giao thông gây tổn hại về sức khỏe, tính mạng của người dân phải được loại trừ. Việc bảo đảm an toàn cho mọi người tham gia giao thông được Nhà nước triển khai thực hiện bằng các quy định pháp luật, chủ trương, chính sách về bảo đảm TTATGT, được thực hiện tuần tự từ công tác tuyên truyền, giáo dục, nhắc nhở cho đến xử phạt hành vi vi phạm để giáo dục, răn đe, giữ gìn trật tự, kỷ cương xã hội. Nghị định 168 ra đời với mục đích tăng cường tính giáo dục, răn đe của pháp luật để từ đó nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT đường bộ, hướng tới mục tiêu tối thượng là bảo vệ sức khỏe, tính mạng của con người và sự trật tự, bình an của xã hội. Thứ hai, Nghị định 168 được được ban hành đúng trình tự, thủ tục, quy định của pháp luật. Nghị định 168 được ban hành theo đúng quy trình, thủ tục, quy định của pháp luật. Tại Điều 151 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản được ban hành theo trình tự rút gọn có thể có hiệu lực ngay từ ngày thông qua hoặc ký ban hành. Quá trình soạn thảo Nghị định 168 đã được cơ quan chức năng nghiên cứu, phối hợp chặt chẽ. Dự thảo Nghị định được thảo luận kỹ lưỡng, đăng tải công khai, lấy ý kiến đóng góp rộng rãi của các tổ chức, cá nhân trên Cổng thông tin điện tử Bộ Công an, Cổng thông tin điện tử Chính phủ, bảo đảm tính minh bạch và đồng thuận xã hội. Thứ ba, hiệu quả của Nghị định 168 và những con số “biết nói” Từ ngày đầu tiên khi Nghị định 168 có hiệu lực thi hành, ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT của người dân có sự chuyển biến rõ rệt, có rất nhiều hình ảnh đẹp trong tham gia giao thông mà chúng ta khó có thể bắt gặp trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, trong đó, việc chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông là hình ảnh nổi bật, chúng ta có thể “tận mắt” thấy người tham gia giao thông trật tự dừng chờ “đèn đỏ” tại các nút giao thông, tạo nên hình ảnh đẹp của Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế, góp phần đưa Việt Nam trở thành điểm đến an toàn, thu hút khách du lịch.
Người tham gia giao thông chấp hành nghiêm pháp luật về TTATGT sau khi Nghị định 168 có hiệu lực thi hành
Sau 01 tháng thực hiện Nghị định 168 (từ ngày 01/01/2025 đến ngày 31/01/2025), tình hình TNGT đường bộ đã có chuyển biến rõ rệt, giảm cả 03 tiêu chí so với cùng kỳ năm trước và thời gian trước liền kề. Cụ thể: Toàn quốc xảy ra hơn 1.700 vụ TNGT đường bộ, làm 917 người chết, 1.163 người bị thương. So với cùng kỳ năm 2024, giảm hơn 26% về số vụ, giảm gần 2% về số người chết, giảm gần 38% số người bị thương. So với thời gian trước liền kề, giảm hơn 18% số vụ, giảm gần 10% số người chết, giảm hơn 20% số người bị thương. Riêng trong 09 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, toàn quốc xảy ra 445 vụ TNGT, làm chết 209 người, bị thương 373 người. So với 09 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 đã giảm hơn 36% số vụ, giảm gần 38% số người chết và giảm hơn 38% số người bị thương. Theo thống kê từ ngành Y tế, trong 09 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 so với cùng kỳ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, số ca khám cấp cứu nghi do TNGT giảm 11%, số ca tử vong nghi do TNGT giảm 28,9%, đáng lưu ý là số lượng người bệnh bị tai nạn nặng phải mổ cấp cứu do tai nạn giảm đáng kể. Trong một tháng thực hiện Nghị định 168, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc đã xử lý hơn 327.300 trường hợp vi phạm TTATGT; tước quyền sử dụng GPLX, chứng chỉ chuyên môn hơn 27.800 trường hợp; hơn 28.700 GPLX bị trừ điểm; tạm giữ hơn 1.800 ô tô và hơn 93.700 mô tô. So với thời gian trước liền kề, xử phạt giảm 12,8% (trong đó, xử lý vi phạm nồng độ cồn giảm 13%; xử lý vi phạm tải trọng giảm 44%; xử lý chở quá số người quy định giảm 46%; xử lý vi phạm phần đường, làn đường giảm 30%...). Điều có thể nhìn thấy rõ ràng nhất sau khi thực hiện Nghị định 168 là việc xử lý vi phạm đã giảm đáng kể so với thời gian trước liền kề, điều đó cho thấy ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT của người dân đã được nâng cao, tự giác chấp hành ngay cả khi không có lực lượng Cảnh sát giao thông. Tại các nút giao, người dân đã tuân thủ nghiêm chỉnh hiệu lệnh đèn tín hiệu, xếp hàng trật tự, không còn tình trạng điều khiển phương tiện dừng đỗ chen lấn vào các làn đường, chiều đường…, qua đó tình trạng ùn tắc giao thông không kéo dài, chỉ xuất hiện cục bộ, du khách quốc tế đánh giá cao việc chấp hành của người dân.
Lực lượng Cảnh sát giao thông ra quân thực hiện nhiệm vụ
Từ những kết quả thực tế nêu trên có thể thấy rằng, Nghị định 168 đã mang lại hiệu quả rất tích cực, tác động đến ý thực chấp hành pháp luật về TTATGT, tạo chuyển biến tích cực trong tham gia giao thông, góp phần thực hiện đạt mục tiêu cao nhất là kiềm chế, kéo giảm tai nạn giao thông. Thứ tư, việc chấp hành pháp luật về TTATGT là trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của mỗi người dân; hướng đến xã hội văn minh, an toàn trong tham gia giao thông. Chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, kết cấu hạ tầng giao thông và tổ chức giao thông đường bộ của nước ta vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhất định, nhất là trong khu vực đô thị. Tuy nhiên, không thể biện minh sự coi thường pháp luật, sự an toàn của người tham gia giao bằng lập luận là do những tồn tại, hạn chế của kết cấu hạ tầng giao thông, tổ chức giao thông. Hiện nay, với sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Chính phủ, kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ của nước ta đang được tăng tốc đầu tư, dần hình thành nên mạng lưới giao thông đồng bộ, hiện đại, có thể kể đến như các tuyến cao tốc Bắc - Nam, cao tốc trục ngang, các tuyến đường vành đai, đường trên cao, đường sắt đô thị… phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân, doanh nghiệp.
Tuyến cao tốc hiện đại Hà Nội - Hải Phòng đang khai thác (ảnh bên trái) và tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau đang thi công (ảnh bên phải)
Cũng phải nói thêm rằng, việc chấp hành pháp luật về TTATGT đường bộ là trách nhiệm, quyền lợi của mỗi chủ thể tham gia giao thông, phấn đấu hình thành văn hóa tham gia giao thông an toàn, hiện đại, vì lợi ích, an toàn của mỗi người dân, vì “nhà là nơi để về”, không để ai phải bị thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản do tai nạn giao thông. Do đó, đối với các luận điệu xuyên tạc, chống phá các quy định pháp luật về TTATGT đường bộ nói chung, Nghị định 168 nói riêng là đi ngược lại với lợi ích chung của cộng đồng, là hành động kéo lùi sự phát triển, văn minh của đất nước; là hành động biện minh cho “thói” coi thường pháp luật, sự “tùy tiện”, xem nhẹ sự an toàn khi tham gia giao thông. Chính vì vậy, việc bảo vệ các quy định của pháp luật về TTATGT nói chung và Nghị định 168 nói riêng là chúng ta đang bảo vệ chính mình, bảo vệ mọi người thân yêu được an toàn để “trở về nhà”, bảo vệ trật tự, kỷ cương của pháp luật, hướng đến xã hội văn minh, an toàn trong tham gia giao thông, góp phần dựng xây, phát triển đất nước trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.