Tính từ đầu năm đến nay, Công an tỉnh Hậu Giang đã phát hiện 25 vụ tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó giao cấu với trẻ em chiếm 52%, hiếp dâm trẻ em chiếm 44%, và dâm ô trẻ em chiếm 4%. Đặc biệt nghiêm trọng là vụ cha ruột hiếp dâm con ruột tại huyện Vị Thủy; cha dượng hiếp dâm con riêng của vợ tại huyện Châu Thành A gây bức xúc dư luận. Đối tượng thực hiện hành vi xâm hại trẻ em ở nhiều lứa tuổi (từ 16 đến dưới 18 tuổi chiếm 26,7%, trên 18 tuổi chiếm 73,3%). Đáng chú ý, theo thống kê trong các vụ xâm hại trẻ em có đến 96% giữa đối tượng và nạn nhân, gia đình nạn nhân có mối quan hệ thân thiết, quen biết từ trước. Mặt khác, nổi lên là tình trạng “yêu sớm” trong độ tuổi chưa thành niên, thông qua mạng xã hội, đối tượng và nạn nhân có quan hệ tình cảm với nhau (có đến 68% giữa đối tượng và nạn nhân có mối quan hệ yêu đương) rồi dụ dỗ, quan hệ tình dục với nạn nhân tại các phòng trọ.
Nguyên nhân của tình trạng trên là do ảnh hưởng, tác động tiêu cực từ phim ảnh, văn hóa phẩm đồi trụy; đối tượng thực hiện hành vi bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em có lối sống không lành mạnh, lệch chuẩn mực xã hội; sự thiếu quan tâm, sơ hở trong quản lý trẻ em của các gia đình; nhận thức và suy nghĩ của trẻ em chưa đầy đủ nên dễ dàng bị các đối tượng xấu lợi dụng để xâm hại. Hầu hết trẻ em sau khi bị xâm hại đều sợ hãi, không dám chia sẻ, tố giác tội phạm, từ đó tạo cơ hội cho đối tượng tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội nhiều lần trong thời gian dài.
Tội phạm xâm hại tình dục trẻ em để lại những hậu quả vô cùng nặng nề, lâu dài về sức khỏe, tâm lý của trẻ em. Vì vậy cần xác định đối với hành vi xâm hại tình dục trẻ em thì các giải pháp phòng ngừa là quan trọng nhất. Các ngành, mặt trận, đoàn thể, nhà trường tiếp tục tăng cường phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm xâm hại trẻ em, những nguy cơ, hậu quả trẻ em phải đối mặt khi bị xâm hại… để trang bị cho trẻ em ý thức cảnh giác, kỹ năng cần thiết, kiến thức tự bảo vệ mình và chủ động phòng ngừa, tránh bị lợi dụng, xâm hại. Đặc biệt đối với nhà trường, gia đình cần tăng cường công tác quản lý, giám sát, giáo dục trẻ em trong quá trình tham gia mạng xã hội, học trực tuyến nhằm phòng tránh nguy cơ trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng. Thực hiện tốt công tác giám sát, thực thi pháp luật, phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh các vụ vi phạm pháp luật liên quan đến xâm hại trẻ em nhằm tạo dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh, tất cả trẻ em đều được bảo vệ, giảm thiểu tình trạng trẻ em bị xâm hại.
Đối với lực lượng Công an, tổ chức thực hiện có hiệu quả các kế hoạch, biện pháp phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm xâm hại trẻ em. Nâng cao hiệu quả công tác điều tra, khám phá các vụ án xâm hại trẻ em. Phối hợp với Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân các cấp trong công tác tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ xâm hại trẻ em, xử lý nghiêm các đối tượng phạm tội theo đúng quy định pháp luật; tổ chực thực hiện các biện pháp bảo vệ nạn nhân là trẻ em trong quá trình tiến hành các hoạt động tố tụng hình sự. Quản lý, giám sát chặt chẽ đối tượng có tiền án, tiền sự về hành vi bạo xâm hại tình dục trẻ em, nhất là đối tượng có lối sống không lành mạnh, lệch chuẩn mực xã hội, thường xuyên vi phạm pháp luật để giáo dục, răn đe, phòng ngừa vi phạm. Thường xuyên kiểm tra các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự như nhà trọ, khách sạn, karaoke, massage… để kịp thời khuyến cáo, có biện pháp phòng ngừa, không để tội phạm lợi dụng dụ dỗ trẻ em để thực hiện hành vi phạm tội./.