Cảnh giác thủ đoạn lừa đảo qua mạng và các dịch vụ bưu chính, viễn thông

Thứ ba - 12/07/2022 02:25 3.628 0
Thời gian gần đây, cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh Hậu Giang nói riêng, xuất hiện nhiều cuộc gọi, tin nhắn, thư điện tử giả mạo, lừa đảo với mục đích chiếm đoạt tài sản với nhiều phương thức, thủ đoạn hoạt động mới tinh vi, gây thiệt tài sản nghiêm trọng, ảnh hưởng tâm lý người dân, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Trước tình hình trên, Công an tỉnh Hậu Giang cảnh báo một số phương thức, thủ đoan phổ biến qua mạng internet, mạng viễn thông và các dịch vụ bưu chính để người dân kịp thời nhận diện, cảnh giác và phòng ngừa.
        1. Giả mạo tài khoản mạng xã hội (Facebook, Zalo, Twitter…),  hộp thư điện tử (Gmail, Outlook Mail, iCloud Mail, Yahoo Mail…)  của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, người thân quen, bạn bè bằng cách thiết lập tài khoản mạng xã hội, hộp thư điện tử với tên tương tự, hình ảnh đại diện là hình ảnh của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, người thân quen kết bạn với cán bộ, nhân viên cấp dưới, người thân, bạn bè sau đó mạo danh chỉ đạo chuyển tiền phục vụ công việc cơ quan hoặc vay mượn xử lý công việc cá nhân gấp với mục đích chiếm đoạt.
        Biện pháp phòng ngừa: Nếu lãnh đạo, người thân, bạn bè nhắn tin yêu cầu chuyển tiền, vay mượn tiền qua các mạng xã hội, hộp thư điện tử thì gọi điện thoại trực tiếp (nếu có thể thì gọi video trực tiếp) cho người đó để xác minh thông tin chính xác trước khi chuyển tiền, nếu người nhận không nghe máy hoặc viện lý do không tiện nói chuyện thì kiên quyết không chuyển khoản để tránh trường hợp người thân, bạn bè bị chiếm đoạt, giả mạo tài khoản mạng xã hội.
        2. Giả mạo cán bộ các cơ quan chức năng (lực lượng Công an, Viện kiểm sát, Tòa án, Thi hành án, Thuế…) gọi điện thông báo nạn nhân đang liên quan đến một vụ việc nghiêm trọng như tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc sử dụng trái phép chất ma túy, gây tai nạn bỏ trốn, rửa tiền, lừa đảo xuyên quốc gia; giả danh nhân viên bưu điện thông báo nhận bưu phẩm, nhân viên viễn thông thông báo nợ cước, nhân viên điện lực thông báo nợ tiền điện... Khi nạn nhân trả lời mình không liên quan hoặc không phải là tội phạm được nói đến, các đối tượng lừa đảo sẽ khai thác thông tin cá nhân hoặc nói rằng có thể thông tin cá nhân của nạn nhân bị lợi dụng để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, từ đó dẫn dụ nạn nhân làm theo những yêu cầu của đối tượng.
        Biện pháp phòng ngừa: Theo quy định của pháp luật, người dân chỉ làm việc với cán bộ các cơ quan pháp luật tại trụ sở, không làm việc qua điện thoại, qua mạng xã hội; khi làm việc với người dân thì các cơ quan Nhà nước (Công an, Viện kiểm sát, Tòa án, Thi hành án, Thuế,...) đều có giấy giới thiệu, giấy mời hoặc trực tiếp gặp mặt để trao đổi công việc và không có quy định gọi điện thoại yêu cầu chuyển tiền. Do đó, người dân cần nêu cao cảnh giác nguy cơ bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản đối với các cuộc điện thoại tự nhận là cơ quan chức năng đang điều tra, giải quyết vụ án, vụ việc qua điện thoại, yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản.
        3. Đánh cắp thông tin tài khoản ngân hàng với một số phương thức, thủ đoạn:
        - Lợi dụng sự thiếu hiểu biết, hám lợi, các đối tượng giả mạo nhân viên của sàn thương mại điện tử, trung tâm mua sắm, đài truyền hình, công ty xổ số,... gọi điện hoặc nhắn tin cho nạn nhân thông báo họ may mắn nhận được phần thưởng giá trị cao của một chương trình, thúc giục nạn nhân nếu không thực hiện ngay những yêu cầu đưa ra thì sẽ không có cơ hội nhận được phần thưởng giá trị nữa. Từ đó, các đối tượng yêu cầu nạn nhân cung cấp mã OTP gửi về điện thoại hay đưa ra bất kỳ lý do nào khác để yêu cầu nạn nhân cung cấp thông tin về thẻ hoặc tài khoản ngân hàng điện tử nhằm trộm tiền trong tài khoản.
      - Giả danh ngân hàng để gọi điện, gửi tin nhắn, email,... mời chào, cung cấp các khoản vay online từ ngân hàng. Các đối tượng thường tiếp cận với nạn nhân bằng cách gọi điện thoại, gửi tin nhắn, email qua các ứng dụng nhắn tin miễn phí. Sau đó hướng dẫn nạn nhân làm thủ tục vay hoặc mở thẻ tín dụng qua trang web giả mạo ngân hàng; gửi các văn bản giả “xác nhận phê duyệt khoản vay” cho nạn nhân để tạo niềm tin và yêu cầu nạn nhân nộp tiền lệ phí hoặc tiền trả góp đợt đầu vào tài khoản chỉ định rồi chiếm đoạt. Thậm chí, các đối tượng còn giả danh ngân hàng gửi link giả để đánh cắp thông tin ngân hàng, bằng cách gửi tin nhắn SMS giả mạo của ngân hàng để lừa khách hàng truy cập vào đường link giả, sau đó yêu cầu cung cấp các thông tin bảo mật như tên, mật khẩu đăng nhập, mã OTP, thông tin thẻ, khi có được thông tin này, đối tượng sẽ rút tiền trong tài khoản của nạn nhân.
        - Gửi tin nhắn rác vào tài khoản người dùng với nội dung tuyển dụng cộng tác viên, nhân viên làm việc trực tuyến tại nhà với thu nhập cao. Khi nạn nhân làm theo hướng dẫn trong tin nhắn, các đối tượng sẽ tự xưng là nhân viên tư vấn, tuyển dụng của một công ty nào đó hay giả mạo là nhân viên của sàn thương mại điện tử để yêu cầu nạn nhân cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng sau đó chiếm đoạt tiền.
        Biện pháp phòng ngừa: Không tin vào những chiêu trò nhận thưởng qua mạng với yêu cầu cung cấp thông tin về thẻ hoặc tài khoản ngân hàng điện tử để làm thủ tục nhận thưởng; Theo quy định, các ngân hàng không yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin tài khoản, thẻ ngân hàng, ví điện tử, mã OTP hoặc bất kỳ thông tin cá nhân của khách hàng qua mail/tin nhắn hay gọi điện thoại; không tò mò nhấn vào các đường link lạ, tuyệt đối không cung cấp các thông tin tài khoản ngân hàng cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào thông qua các cuộc gọi, đường link gửi bằng mail/tin nhắn.
        4. Lợi dụng sự thiếu hiểu biết, cả tin, hám lợi của người dân, các đối tượng tự giới thiệu là người nước ngoài, gọi điện thoại liên lạc hoặc nhắn tin để tạo mối quan hệ với nạn nhân, sau đó đối tượng sẽ thông báo muốn gửi tiền, quà từ nước ngoài về Việt Nam, đề nghị nạn nhân nộp các khoản tiền như thuế, phí, cước vận chuyển... vào tài khoản ngân hàng do các đối tượng cung cấp để nhận quà.
        Biện pháp phòng ngừa: Cảnh giác với các cuộc điện thoại từ số máy lạ, nhất là các số máy có đầu số nước ngoài; tuyệt đối không cung cấp thông tin cho tổ chức, cá nhân nào khi chưa biết họ là ai và sử dụng vào mục đích gì. Giữ bí mật, không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, địa chỉ nhà ở, thông tin về tài khoản ngân hàng, tài khoản các dịch vụ trên internet... cho bất kỳ người lạ nào gọi đến.
      Dự báo thời gian tới, hoạt động lừa đảo qua mạng internet, mạng viễn thông và dịch vụ bưu chính sẽ vẫn tiếp diễn, với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, có khả năng gây thiệt hại lớn cho người dân, ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, doanh nghiệp. Công an tỉnh Hậu Giang đề nghị người dân cần tỉnh táo trong nhận diện phương thức, thủ đoạn lợi dụng mạng internet, mạng viễn thông và các dịch vụ bưu chính để lừa đảo chiếm đoạt tài sản; kịp thời thông báo cho cơ quan Công an nơi gần nhất để được tiếp nhận và hướng dẫn giải quyết theo quy định./.

Tác giả bài viết: Nguyễn Duy Khánh - Phòng An ninh chính trị nội bộ

Tổng số điểm của bài viết là: 36 trong 17 đánh giá

Xếp hạng: 2.1 - 17 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Đường dây nóng
Lịch tiếp công dân
Cổng thông tin BCA
Văn bản pháp luật
Dịch vụ công trực tuyến
Hộp thư góp ý
Chuyển đổi số
Bộ Pháp điển
Đối tượng truy nã
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập159
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm157
  • Hôm nay50,998
  • Tháng hiện tại1,997,466
  • Tổng lượt truy cập109,575,315
phieukhaosat
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây