Quy định của Pháp luật về hoạt động tự do tín ngưỡng tôn giáo và cảnh giác một số hành vi lợi dụng tôn giáo để trục lợi
Hồ Chí Khâm - Công an huyện Châu Thành A
2022-07-24T23:23:59-04:00
2022-07-24T23:23:59-04:00
https://congan.haugiang.gov.vn, congan.haugiang.gov.vn/thong-bao/quy-dinh-cua-phap-luat-ve-hoat-dong-tu-do-tin-nguong-ton-giao-va-canh-giac-mot-so-hanh-vi-loi-dung-ton-giao-de-truc-loi-1103.html
/themes/egov/images/no_image.gif
CÔNG AN TỈNH HẬU GIANG
https://congan.haugiang.gov.vn, congan.haugiang.gov.vn/uploads/logoca.png
Điều 24 Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo tôn giáo nào, các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”.
Đảng và Nhà nước ta luôn nhất quán chính sách tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và tự do không tín ngưỡng tôn giáo của công dân. Trong những năm qua, tình hình sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng ở nước ta cơ bản ổn định. Các tổ chức tôn giáo, chức sắc, chức việc, tín đồ sinh hoạt tôn giáo thuần túy, chấp hành nghiêm chỉnh chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và quy định của địa phương. Các nhu cầu, hoạt động tôn giáo thuần túy, chính đáng đã được các cấp, ngành và địa phương quan tâm giải quyết, hầu hết các cơ sở tôn giáo hoạt động hợp pháp đã được giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định.
Việt Nam là quốc gia đa tôn giáo, với các tôn giáo lớn như: Công giáo, Phật giáo, Tin lành, Phật giáo Hòa Hảo, Cao Đài,… Tính đến nay đã công nhận và cấp đăng ký hoạt động cho 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo với số lượng tín đồ, chiếm 27% dân số cả nước. Các tôn giáo trên địa bàn được các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương tạo điều kiện để hoạt động, đa số chức sắc, chức việc, nhà tu hành và tín đồ các tôn giáo yên tâm, tin tưởng vào chính sách của chính quyền, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, từ thiện xã hội. Tuy nhiên, thời gian gần đây xuất hiện lên hiện tượng xây dựng cơ sở, công trình thờ tự trái phép hay còn gọi “cải gia vi tự” của một số đối tượng lợi dụng các hoạt động tự do, tín ngưỡng tôn giáo để tiến hành các hoạt động trục lợi cá nhân, không những ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự mà còn làm xói mòn đức tin của tín đồ đối với các tôn giáo đang hoạt động chính thống đúng quy định của pháp luật. Điển hình là vụ việc “Tịnh thất Bồng Lai” sau đổi thành “Thiền am bên bờ vũ trụ” (xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa, Long An).
Thủ đoạn phổ biến của hoạt động “cải gia vi tự” của các đối tượng là xây dựng trái phép các công trình tôn giáo tương tự như các công trình mà Nhà nước đã công nhận tư cách pháp nhân như: Xây dựng các tượng đài, bia và tháp tôn giáo, các bàn thờ tự, các công trình tôn giáo khác tại nhà mà chưa được cơ quan chức năng có thẩm quyền cho phép. Sau khi tiến hành xong việc xây dựng trái phép, số đối tượng sẽ tiến hành các hoạt động sinh hoạt tôn giáo trái phép, các hoạt động tâm linh mê tín dị đoan, kêu gọi, lôi kéo nhiều người tại nhiều địa phương cùng tham gia. Bằng hình thức dựng lên các tình huống từ thiện, các đối tượng ghi hình, chụp ảnh tại nơi xây dựng công trình tôn giáo trái phép để đăng tải, chia sẻ lên các trang mạng xã hội, lợi dụng lòng cả tin, lòng hảo tâm của người dân kêu gọi nguyên góp tiền, vật chất cho các đối tượng sau đó sẽ tiến hành chiếm đoạt, trục lợi cá nhân. Các hoạt động này không chỉ ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự tại địa phương mà còn gây ảnh hưởng đến hình ảnh các tôn giáo đã được Nhà nước công nhận tư cách pháp nhân.
Để thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực tôn giáo, Nhà nước ta đã ban hành Luật tín ngưỡng tôn giáo 2016 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2018), Nghị định 162/2017/NĐ-CP, ngày 30/12/2017 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật tín ngưỡng tôn giáo. Theo Điều 58 Luật tín ngưỡng tôn giáo quy định về việc cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới công trình tín ngưỡng, công trình tôn giáo được thực hiện theo quy định của pháp luật về xây dựng. Khi xây dựng mới công trình, cơ sở thờ tự người có trách nhiệm phải lập báo cáo kinh tế, kỹ thuật, phải xin giấy phép xây dựng. Ngoài ra, các công trình tôn giáo bắt buộc phải được xây dựng trên phần đất tôn giáo được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ghi rõ mục đích sử dụng, nếu xây dựng không trên đất tôn giáo còn bị xử phạt hành vi tự ý chuyển mục đích sử dụng đất theo Nghị định 91/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trên lĩnh vực đất đai. Ngoài ra việc kêu gọi từ thiện nhằm mục đích trục lợi cá nhân tùy vào mức độ, tính chất nghiêm trọng mà bị xử lý hành chính hoặc hình sự.
Từ những diễn biến phức tạp của hoạt động trên, người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác nhận diện rõ đâu là hoạt động tôn giáo thuần túy để phân biệt các hoạt động lợi dụng các vấn đề về tôn giáo trái phép để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật. Đồng thời, khi phát hiện các hoạt động trên người dân cần trình báo với cơ quan chức năng để có hướng xử lý kịp thời góp phần đảm bảo tình hình an ninh, trật tự tại địa phương./.
Tác giả bài viết: Hồ Chí Khâm - Công an huyện Châu Thành A