CÔNG AN TỈNH HẬU GIANGhttps://congan.haugiang.gov.vn, congan.haugiang.gov.vn/uploads/logoca.png
Thứ sáu - 13/10/2023 04:471.3670
Chiều ngày 12/10/2023, tại Hà Nội, Bộ Công an phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg ngày 17/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù. Hội nghị được tổ chức trực tuyến đến cấp huyện, cấp xã, với sự tham gia của hơn 30 nghìn đại biểu.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái dự và chỉ đạo Hội nghị; Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an và ông Dương Quyết Thắng, Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội đồng chủ trì Hội nghị. Tại điểm cầu Công an tỉnh Hậu Giang có ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh; Đại tá Huỳnh Việt Hòa, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh; Đại tá Phan Văn Giữ, Phó Giám đốc Công an tỉnh, ông Bùi Văn Thuấn, Giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh; Giám thị Trại giam Kênh 5; đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành, đoàn thể tỉnh liên quan; lãnh đạo, chỉ huy các Phòng nghiệp vụ Công an tỉnh; Trưởng các Phòng chuyên môn thuộc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh.
Tại Hội nghị, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự tại cộng đồng, Bộ Công an đã phổ biến, quán triệt nội dung cơ bản của Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg ngày 17/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Công an. Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg có 16 Điều, trong đó quy định cụ thể về đối tượng, điều kiện vay vốn, phương thức cho vay, mục đích sử dụng vốn, mức vốn vay, thời hạn vay, lãi suất cho vay... Cụ thể như sau: - Đối tượng vay vốn bao gồm: (1) Người chấp hành xong án phạt tù bao gồm người chấp hành xong thời hạn chấp hành án phạt tù đã được cấp giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt tù theo quy định tại Luật Thi hành án hình sự và người được đặc xá đã được cấp giấy chứng nhận đặc xá; (2) cơ sở sản xuất kinh doanh bao gồm doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh có sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù. - Về điều kiện vay vốn: (1) Đối với người chấp hành xong án phạt tù: có nhu cầu vay vốn; có tên trong danh sách người chấp hành xong án phạt tù về cư trú tại địa phương, chấp hành tốt các quy định của pháp luật, không tham gia các tệ nạn xã hội, do Công an cấp xã lập và được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận; thời gian kể từ khi chấp hành xong án phạt tù đến thời điểm vay vốn tối đa là 05 năm. (2) Còn đối với cơ sở sản xuất kinh doanh: phải được thành lập và hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật; sử dụng tối thiểu 10% tổng số lao động là người chấp hành xong án phạt tù đáp ứng các điều kiện nêu trên và ký hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật về lao động; có phương án vay vốn và được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thực hiện phương án xác nhận. Ngoài ra, 02 trường hợp trên phải thuộc trường hợp không còn dư nợ tại Ngân hàng Chính sách xã hội đối với các chương trình tín dụng khác có cùng mục đích sử dụng vốn vay để đào tạo nghề và sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm theo quy định của pháp luật thì mới đủ điều kiện để vay vốn. - Về phương thức cho vay: Đối với người chấp hành xong án phạt tùcho vay thông qua hộ gia đình theo phương thức ủy thác cho các tổ chức chính trị - xã hộ. Đối với cơ sở sản xuất kinh doanh cho vay trực tiếp. - Về mục đích sử dụng vốn vay: phục vụ việc đào tạo nghề và sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm. - Về mức vốn cho vay: đối với người chấp hành xong án phạt tù nếu vay để đào tạo nghề thì mức vôn vay tối đa là 4 triệu đồng/tháng/người; nếu vay phục vụ sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm thì mức vốn vay tối đa là 100 triệu đồng/người. Đối với cơ sở sản xuất kinh doanh thì mức vốn vay tối đa là 02 tỷ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng/người lao động tại cơ sở sản xuất kinh doanh.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ghi nhận đánh giá cao Bộ Công an đã đề xuất xây dựng chính sách này để tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành. Quyết định này thể hiện chính sách nhân đạo, nhân văn của Đảng, Nhà nước, tạo điều kiện, giúp đỡ người lầm lỗi hoà nhập cộng đồng nhanh chóng, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự ở địa phương. Phó Thủ tướng yêu cầu các cơ quan chức năng triển khai thực hiện Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg một cách nghiêm túc, hiệu quả. Bộ Công an tập trung chỉ đạo Công an các địa phương phối hợp với các cơ quan, ban ngành, đoàn thể tham mưu cho cấp ủy, chính quyển triển khai Quyết định này có hiệu quả, minh bạch, đúng quy định của pháp luật, đưa chính sách nhân văn, nhân đạo này thực sự đi vào trong thực tế đời sống; tham mưu Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện trình Hội đồng nhân dân cùng cấp bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay; phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách xã hội trong quá trình giám sát vốn vay và thu hồi nợ theo quy định. Ngân hàng Chính sách xã hội cần triển khai thực hiện tốt các quy trình, thủ tục cho vay, đảm bảo chặt chẽ, đúng đối tượng, đúng quy định, tạo điều kiện thuận lợi nhất để người chấp hành xong án phạt tù và cơ sở sản xuất kinh doanh được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, cũng như cần chủ động để bảo đảm nguồn vốn cho vay. Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội quan tâm, thường xuyên tổ chức giám sát để việc thực hiện chính sách này bảo đảm đúng mục đích, quy định của pháp luật. Ủy ban nhân dân các cấp, các ban, ngành đoàn thể ở địa phương cần xác định rõ về vị trí quan trọng, mục đích, ý nghĩa của chính sách này và triển khai thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ được giao trong Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an yêu cầu Công an các đơn vị, địa phương, thực hiện nghiêm túc Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg và chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; việc thực hiện phải đúng, không để xảy ra sai phạm. Đồng chí Thứ trưởng giao nhiệm vụ cho Cục Cảnh sát quản lý tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự tại cộng đồng giúp lãnh đạo Bộ Công an theo dõi, hướng dẫn, chỉ đạo sát sao việc thực hiện Quyết định này. Đối vớiCông an tỉnh Hậu Giang, sau Hội nghị này, Ban Giám đốc Công an tỉnh sẽ tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg sát với tình hình thực tế của tỉnh, trong đó tập trung chỉ đạo các ngành, đoàn thể, đặc biệt là các cơ quan Báo, Đài phải tăng cường công tác tuyên truyền nội dung Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg để mọi người đều nắm và thực hiện theo quy định. Hằng năm, ngành Công an sẽ phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh tham mưu Ủy ban nhan dân tỉnh, cấp huyệntrình Hội đồng nhân dân cùng cấp phân bổ ngân sách ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh để phục vụ việc vay vốn của người chấp hành xong án phạt tù; thường xuyên rà soát, bổ sung vào danh sách người chấp hành xong án phạt tù, cơ sở sản xuất kinh doanh có nhu cầu vay vốn để hướng dẫn, hỗ trợ làm thủ tục vay, bảo đảm việc giải ngân vốn vay đúng đối tượng, mục đích theo quy định.