Chuyển đổi số đóng một vai trò quan trọng trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; là xu thế tất yếu, là giải pháp thiết thực để thúc đẩy sự phát triển mọi mặt của kinh tế - xã hội. Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm, xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ chính trị quan trọng và lãnh, chỉ đạo xuyên suốt để hướng đến mục tiêu xây dựng hệ thống chính quyền điện tử, chính quyền số, xã hội số, công dân số… Nhận thức được vai trò, vị trí, tầm quan trọng và ý nghĩa của chuyển đổi số và trên cơ sở quán triệt các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Bộ Công an, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh về chuyển đổi số, Đảng ủy - Ban Giám Công an tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động của Công an tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Công an tỉnh đặt ra mục tiêu chung là chuyển đổi số căn bản, toàn diện, đồng bộ các hoạt động của Công an tỉnh, Công an các đơn vị, địa phương; phát triển môi trường số an toàn hiệu quả phục vụ các hoạt động của Công an tỉnh; chuyển đổi nhận thức, phương pháp làm việc, tận dụng các cơ hội, thành tựu của khoa học công nghệ và sự phát triển mạnh mẽ của Chính phủ số nhằm từng bước số hóa quy trình nghiệp vụ, biện pháp công tác, đảm bảo nhanh chóng, chính xác, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đáp ứng yêu cầu, mục tiêu xây dựng lực lượng Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, có sức chiến đấu cao, vì an ninh Tổ quốc, vì Nhân dân phục vụ.
Để từng bước hoàn thành mục tiêu trên, Giám đốc Công an tỉnh ban hành quyết định thành lập Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số trong Công an tỉnh (Tổ Công tác giúp việc Ban Chỉ đạo đặt tại Phòng Tham mưu); Ban Chỉ đạo về an ninh mạng và an toàn thông tin… Với quyết tâm chính trị cao của toàn lực lượng và sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của cấp trên, lực lượng Công an toàn tỉnh đã chuyển đổi hoạt động lên môi trường số ở các lĩnh vực phù hợp, từng bước xây dựng và hoàn thiện hệ thống hạ tầng, nguồn nhân lực công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu công tác Công an trong tình hình mới, từ đó, đã đạt được những kết quả quan trọng để “đón đầu” và hội nhập với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Cụ thể: (1) triển khai sử dụng Phần mềm quản lý, điều hành công tác Công an ở 100% Công an các đơn vị, địa phương; (2) 100% văn bản của Công an tỉnh, Công an các đơn vị, địa phương được gửi, nhận nội bộ và trao đổi với các sở, ban, ngành tỉnh trên môi trường mạng dưới dạng văn bản điện tử có ký số (trừ các văn bản quản lý chế độ mật theo quy định); (3) triển khai hệ thống Hội nghị truyền hình trực tuyến với 08 Công an huyện, thị xã, thành phố; (4) tổ chức số hóa hồ sơ, tài liệu để lưu trữ điện tử phục vụ tra cứu, kết nối, chia sẻ dữ liệu trên cơ sở cấu trúc dùng chung; (5) triển khai và hoàn thành các nhiệm vụ của Công an tỉnh trong thực hiện Đề án 06 của Chính phủ; (6) kết nối và khai thác thành công dữ liệu trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh; (7) cung cấp 119 dịch vụ công trực tuyến toàn trình, một phần thuộc thẩm quyền giải quyết của Công an tỉnh Hậu Giang trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an; (8) đăng tải đầy đủ, kịp thời thông tin về các mặt công tác Công an trên Trang thông tin điện tử Công an tỉnh... Đồng thời, nhận thức được vai trò của con người - chủ thể của mọi hoạt động, là nhân tố quyết định trong thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số, Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo các Phòng nghiệp vụ thường xuyên mở các lớp đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng về kỹ năng công nghệ thông tin, ứng dụng hệ thống phần mềm, cơ sở dữ liệu vào thực hiện nhiệm vụ và cử lãnh đạo, cán bộ tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng về chuyển đổi số do các cấp tổ chức. Đến nay, Công an tỉnh đã tổ chức trên 10 lớp tập huấn, bồi dưỡng; có trên 1.650 lượt lãnh đạo, cán bộ tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng các chuyên đề về chuyển đổi số.
Bên cạnh đó, lực lượng Công an toàn tỉnh đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp; tổ chức tiếp nhận phản ánh, kiến nghị, tố giác, tin báo về tội phạm thông qua các ứng dụng di động như App Hậu Giang, VNeID; tích cực tuyên truyền, hướng dẫn người dân đăng ký, kích hoạt tài khoản định danh điện tử và thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên các nền tảng mạng xã hội như Zalo, Facebook chính thống của Công an các đơn vị, địa phương... Qua đó, đã góp phần nâng cao chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan, đơn vị có chức năng giải quyết thủ tục hành chính trong Công an tỉnh.
Để hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ chuyển đổi của Công an tỉnh trong giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030, lực lượng Công an toàn tỉnh cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Thứ nhất, kịp thời triển khai quán triệt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về chuyển đổi số. Tiếp tục đổi mới tư duy và thống nhất nhận thức về chuyển đổi số của lực lượng Công an toàn tỉnh, trong đó, Trưởng Công an các đơn vị, địa phương trực tiếp chỉ đạo công tác ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên nhằm nâng cao hiệu quả công tác Công an trong tình hình mới.
Thứ hai, tiếp tục phát huy vai trò thường trực trong tổ chức triển khai Đề án 06 của Chính phủ về phát triển dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, trọng tâm là kết nối, chia sẻ dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến; ứng dụng hệ thống định danh và xác thực điện tử vào các mặt công tác quản lý nhà nước. Đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến gắn với công tác tuyên truyền, vận động để mọi người hiểu, tích cực tham gia.
Thứ ba, xây dựng và phát triển đội ngũ chỉ huy, cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin Công an tỉnh và bán chuyên trách công nghệ thông tin Công an các đơn vị, địa phương đủ mạnh về số lượng và chất lượng. Nghiên cứu, ứng dụng, tiếp thu, sáng tạo và làm chủ được công nghệ của các sản phẩm của cuộc cách mạng công nghệp lần thứ 4 vào các mặt công tác Công an. Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn đội ngũ cán bộ công nghệ thông tin chuyên sâu về quản trị mạng, quản trị hệ thống, an ninh, an toàn thông tin nhằm nâng cao trình độ công tác chuyên môn, đáp ứng được các yêu cầu nhiệm vụ công tác trong tình hình mới.
Thứ tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư trang thiết bị công nghệ thông tin tập trung, thống nhất, đồng bộ, hiện đại và hiệu quả. Trước hết là quy hoạch tổng thể hạ tầng truyền dẫn, hạ tầng mạng máy tính, cơ sở dữ liệu và các hệ thống thông tin, bảo đảm khả năng kết nối thông suốt từ Công an tỉnh đến Công an các đơn vị, địa phương; có cơ chế bảo mật, cung cấp, chia sẻ và khai thác thông tin theo quy định của pháp luật và của Ngành. Đầu tư trang cấp các thiết bị công nghệ thông tin đồng bộ, hiện đại, thay thế dần các thiết bị cũ, lạc hậu không đáp ứng được các yêu cầu nhiệm vụ công tác; tích hợp các hệ thống máy chủ hướng đến xây dựng kho dữ liệu dùng chung Công an tỉnh có bảo mật, trang bị thiết bị bảo mật đầu cuối, firewall...
Thứ năm, tổ chức học tập, trao đổi kinh nghiệm với Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin cao hoặc các cơ quan, tổ chức có nền tảng vượt bậc về khoa học công nghệ, chuyển đổi số nhằm kết nối, chia sẻ thông tin, cách làm hiệu quả để áp dụng phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ chuyển đổi số trong Công an tỉnh. Đưa nhiệm vụ chuyển đổi số vào chỉ tiêu thi đua; kịp thời phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng, khen thưởng động viên các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác này./.
Một số hình ảnh của các lớp tập huấn về chuyển đổi số