Pháp chế Công an nhân dân qua 48 năm xây dựng và trưởng thành, đóng góp quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự, xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong sạch, vững mạnh

Thứ sáu - 27/10/2023 05:35 1.382 0
Ngày 19/10/2001, Bộ trưởng Bộ Công an đã ký Quyết định số 1033/2001/QĐ-BCA xác định ngày 27/10/1975 là Ngày truyền thống của lực lượng Pháp chế Công an nhân dân. Nhân dịp kỷ niệm 48 năm Ngày Pháp chế Công an nhân dân, tổ Biên tập Trang thông tin điện tử Công an tỉnh xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc quá trình xây dựng, trưởng thành và những kết quả nổi bật của lục lượng Pháp chế Công an nhân dân.
        Pháp chế Công an nhân dân là đơn vị tham mưu chiến lược giúp Ðảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, cấp ủy đảng, thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương trong công tác pháp luật, cải cách hành chính; tổ chức thực hiện công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa, hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật, pháp điển hóa quy phạm pháp luật; theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra quản lý công tác điều ước quốc tế, công tác thỏa thuận quốc tế, thi hành pháp luật; quản lý, hướng dẫn, kiểm tra công tác cải cách hành chính, kiểm soát thủ tục hành chính và tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính thuộc phạm vi chức năng của Bộ Công an, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa trong Công an nhân dân, lực lượng Pháp chế đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện có hiệu quả việc nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn công tác, chiến đấu, dự báo, phân tích, đánh giá tác động xã hội và nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự ở từng giai đoạn lịch sử của đất nước, kịp thời đề xuất, kiến nghị, xây dựng trình cấp có thẩm quyền ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật quan trọng. Trong 48 năm qua, với những cố gắng không mệt mỏi, lực lượng Pháp chế Công an nhân dân đã có nhiều nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần đáng kể vào sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.
        1. Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hoàn thiện thể chế và phổ biến, giáo dục pháp luật
        Ngay từ khi mới được thành lập, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn, Pháp chế Công an nhân dân đã hoàn thành xuất sắc việc xây dựng các Sắc luật số 01/SL-76, số 02/SL-76, số 03/SL-76 và các văn bản hướng dẫn thi hành, tạo cơ sở, nền tảng pháp lý để Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Ủy ban quân quản các cấp, các cơ quan bảo vệ pháp luật sử dụng để bảo vệ chính quyền, bảo vệ an ninh trật tự, bảo vệ thành quả cách mạng vừa mới giành được. Từ năm 1986 đến nay, đất nước ta bước vào sự nghiệp đổi mới, Pháp chế Công an nhân dân đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ có nhiều đóng góp trong công tác xây dựng và từng bước hoàn thiện cơ sở pháp lý để bảo vệ an ninh, trật tự, tiêu biểu là xây dựng Pháp lệnh Lực lượng An ninh nhân dân năm 1987; Pháp lệnh Lực lượng Cảnh sát nhân dân năm 1989; Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự năm 1989; Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước năm 1991 và các văn bản thi hành.
        Trong thời gian qua, lực lượng Pháp chế Công an nhân dân đã tham mưu xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có nhiều văn bản quan trọng, góp phần bảo vệ an ninh, trật tự, đấu tranh phòng, chống tội phạm, xây dựng Nhà nước Việt Nam pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân như: Luật An ninh quốc gia; Luật Công an nhân dân; Luật Cư trú; Luật Bảo vệ bí mật nhà nước; Luật Thi hành án hình sự; Luật An ninh mạng, Luật Căn cước công dân; Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự…; tham gia tích cực, có hiệu quả quá trình xây dựng các đạo luật quan trọng như: Hiến pháp; Bộ luật Hình sự; Bộ luật Tố tụng hình sự; tham gia xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về lĩnh vực quốc phòng … Bên cạnh đó, Pháp chế Công an địa phương còn tham mưu, giúp Đảng ủy, lãnh đạo Công an các cấp xây dựng, trình  Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân cùng cấp ban hành hàng trăm văn bản quy phạm pháp luật về công tác bảo đảm an ninh, trật tự, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; xây dựng, ban hành các quy trình công tác, quy chế làm việc, đề án, chương trình, kế hoạch... phục vụ yêu cầu công tác, chiến đấu, xây dựng lực lượng Công an nhân dân ở đơn vị, địa phương mình.
        Thực hiện các nhiệm vụ được giao trong Quyết định số 06/QĐ-TTg, ngày 06/01/2022 của Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử về phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2023(gọi tắt là Đề án 06), Pháp chế Công an nhân dân các cấp đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát các văn bản quy phạm pháp luật của bộ, ngành phục vụ triển khai định danh và xác thực điện tử; tích hợp thông tin các giấy tờ cá nhân của công dân trên thẻ căn cước công dân và ứng dụng VNeID để thực hiện Đề án 06 và rà soát, cắt giảm đơn giản hóa thủ tục hành chính. Phối hợp các đơn vị liên quan xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 59/2022/NĐ-CP ngày 05/9/2022 quy định về định danh và xác thực điện tử và Nghị định số 104/2022/NĐ-CP ngày 21/12/2022 về sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến việc nộp, xuất, trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công. Việc tham mưu, ban hành cơ chế, phương thức quản lý mới trên môi trường số, điện tử đã mang ý nghĩa lớn trong công tác cải cách hành chính, phục vụ Nhân dân. Từ năm 2010 đến nay, Pháp chế Công an nhân dân đã tổ chức biên soạn, in ấn, cấp phát hàng trăm đề cương, tài liệu tuyên truyền, phổ biến pháp luật; trên 100 đầu sách pháp luật và tổ chức nhiều hội nghị phổ biến, quán triệt, tập huấn chuyên sâu các văn bản pháp luật liên quan đến an ninh, trật tự cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, cốt cán, báo cáo viên pháp luật trong lực lượng Công an.
        2. Chủ động, kịp thời tham mưu với Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ, cấp ủy, lãnh đạo Công an các đơn vị, địa phương về triển khai thực hiện các chương trình, đề án hoàn thiện pháp luật, cải cách tư pháp
        Để triển khai thực hiện các nghị quyết của Bộ Chính trị, các nghị quyết, chỉ thị của Đảng ủy Công an Trung ương, lực lượng Pháp chế Công an nhân dân đã thực hiện có hiệu quả các chủ trương, đường lối về xây dựng và hoàn thiện pháp luật trong Công an nhân dân như: Xây dựng kế hoạch, chương trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW, ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020; Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 trong Công an nhân dân; Nghị quyết số 08-NQ/ĐUCA, ngày 01/8/2017 về tiếp tục hoàn thiện pháp luật về an ninh, trật tự đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 09-NQ/ĐUCA, ngày 29/3/2022 về tiếp tục hoàn thiện pháp luật về an ninh, trật tự đến năm 2026, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Tham mưu giúp lãnh đạo Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng của các bộ, ngành có liên quan xây dựng 03 đề án về cải cách tư pháp: Đề án giảm hình phạt tử hình và thay đổi hình thức thi hành hình phạt tử hình (từ bắn súng sang tiêm thuốc); Đề án mô hình Cơ quan điều tra cấp huyện và đổi mới hệ thống cơ quan điều tra trong Công an nhân dân phù hợp với việc đổi mới mô hình tổ chức Tòa án theo thẩm quyền xét xử; Đề án nghiên cứu tổ chức lại hệ thống cơ quan điều tra theo hướng thu gọn đầu mối… Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp đã tích cực tham mưu, báo cáo Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Hướng dẫn số 15/HD-BCA-V03 ngày 29/8/2023 về việc thực hiện bố trí Điều tra viên ở Công an cấp xã đối với Trưởng Công an cấp xã thuộc Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện; qua đó, đã góp phần nâng cao hiệu quả và phát huy vai trò của Công an cấp xã trong công tác phòng, chống tội phạm nói chung, công tác tiếp nhận, xử lý tố giác, tin báo về tội phạm nói riêng, đáp ứng yêu cầu giải quyết vụ việc ngay tại địa bàn cơ sở.
        3. Nâng cao hiệu quả công tác theo dõi, kiểm tra việc thi hành pháp luật, thực hiện quy chế dân chủ
        Công tác theo dõi, kiểm tra việc thi hành pháp luật, thực hiện quy chế dân chủ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của lực lượng pháp chế Công an nhân dân. Thời gian gần đây, công tác này ngày càng khởi sắc, đi vào nền nếp, có chiều sâu và đã thu được nhiều kết quả quan trọng. Bằng những việc làm cụ thể, lực lượng pháp chế Công an nhân dân đã góp phần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, lãnh đạo Công an các cấp, tạo sự chuyển biến rõ rệt trong việc chấp hành, áp dụng các quy định của pháp luật trong thực thi công vụ, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện chức năng, nhiệm vụ. Hình ảnh người cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân tận tâm phục vụ Nhân dân, kiên quyết đấu tranh với các loại tội phạm, chiến đấu dũng cảm, hy sinh thân mình vì cuộc sống bình yên, hạnh phúc của Nhân dân xuất hiện ngày càng nhiều, mang tính phổ biến trên các phương tiện truyền thông, được Nhân dân tin yêu, mến phục.
        Cùng với việc tham mưu ban hành và tổ chức thực hiện kế hoạch theo dõi, kiểm tra việc thi hành pháp luật, thực hiện quy chế dân chủ trong toàn lực lượng, Pháp chế Công an nhân dân đã chủ trì, phối hợp với các tổng cục, đơn vị có liên quan tổ chức hàng chục đoàn kiểm tra công tác thi hành pháp luật ở Công an các đơn vị, địa phương, kịp thời chấn chỉnh, xử lý những sai phạm, vi phạm, đề ra các giải pháp khắc phục nhằm bảo đảm cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh, có hiệu lực, hiệu quả, đồng thời đề xuất, kiến nghị với Đảng, Quốc hội, Chính phủ và cấp có thẩm quyền nhiều biện pháp, giải pháp cụ thể, góp phần khắc phục khó khăn, bất cập do chính các quy định của pháp luật gây ra, đưa pháp luật vào thực tiễn công tác bảo đảm an ninh trật tự, đấu tranh phòng, chống tội phạm…
        4. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật; công tác cải cách hành chính, kiểm soát thủ tục hành chính và nghiên cứu khoa học pháp lý
        Thực hiện quy định của pháp luật về kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật và chỉ đạo của lãnh đạo Bộ, lực lượng Pháp chế Công an nhân dân đã chủ động, khắc phục khó khăn thực hiện tốt công tác tự kiểm tra văn bản; đã tiến hành kiểm tra các văn bản quy phạm pháp luật có nội dung liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công an do các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh ban hành theo chuyên đề, địa bàn, lĩnh vực. Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp đã tham mưu lãnh đạo Bộ chỉ đạo Công an đơn vị, địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả, cụ thể hóa các chủ trương chỉ đạo của Đảng, Chính phủ thành các chương trình, đề án, chỉ thị, kế hoạch về công tác cải cách hành chính trong Công an nhân dân... Đặc biệt, đã tham mưu Đảng ủy Công an Trung ương ban hành Nghị quyết số 11-NQ/ĐUCA, ngày 01/7/2022 về lãnh đạo thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030 trong Công an nhân dân; tham mưu Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư số 27/2022/TT-BCA ngày 09/6/2022 quy định tiêu chí cải cách hành chính và xác định chỉ số cải cách hành chính trong Công an nhân dân để chỉ đạo, điều hành công tác cải cách hành chính trong Công an nhân dân. Lần đầu tiên, có một nghị quyết riêng của Đảng ủy Công an Trung ương về công tác cải cách hành chính; đồng thời cũng là lần đầu tiên việc xác định chỉ số cải cách hành chính trong Công an nhân dân được ghi nhận trong văn bản quy phạm pháp luật. Công an các đơn vị, địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính và kiểm soát thủ tục hành chính; tiếp nhận và xử lý nhiều phản ánh, kiến nghị của tổ chức và cá nhân góp phần đảm bảo việc thực hiện các thủ tục hành chính ngày càng đơn giản, thuận tiện, đáp ứng yêu cầu chính đáng của công dân; kịp thời phục vụ công tác chỉ huy, điều hành của lãnh đạo Công an các cấp. Tính từ năm 1998 đến năm nay, lực lượng Pháp chế Công an nhân dân đã có 24 đề tài khoa học được nghiệm thu, trong đó có 01 đề tài khoa học cấp nhà nước đạt loại xuất sắc và đã xuất bản thành sách; 09 đề tài khoa học cấp Bộ đạt loại xuất sắc và khá, qua đó cung cấp những luận cứ khoa học, lý luận và thực tiễn cho công tác hoạch định, xây dựng chính sách, hoàn thiện thể chế, pháp luật có liên quan đến bảo vệ an ninh, trật tự.
        Trong 48 năm qua, với những cố gắng không mệt mỏi, Pháp chế Công an nhân dân đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều huân, huy chương; Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Công an liên tục tặng cờ đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua Vì an ninh Tổ quốc. Sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm, xây dựng Nhà nước Việt Nam pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế đang tạo ra những cơ hội, thuận lợi lớn; đồng thời, cũng đặt ra những yêu cầu, thách thức mới cho lực lượng Pháp chế Công an nhân dân. Công việc mà lực lượng Pháp chế Công an nhân dân đảm nhiệm sẽ ngày một nặng nề hơn, đòi hỏi sự nỗ lực, trách nhiệm cao hơn của mỗi cán bộ, chiến sĩ trong toàn lực lượng. Với niềm tin tưởng và tự hào, lực lượng Pháp chế Công an nhân dân tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của mình, không ngừng rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất đạo đức, học tập, nâng cao năng lực, trình độ công tác, phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ chính trị được giao góp phần xứng đáng vào sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong sạch, vững mạnh trong tình hình mới./.

Tác giả bài viết: Tổ biên tập - Phòng Tham mưu

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 5 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 5 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Đường dây nóng
Lịch tiếp công dân
Cổng thông tin BCA
Văn bản pháp luật
Dịch vụ công trực tuyến
Hộp thư góp ý
Chuyển đổi số
Bộ Pháp điển
Đối tượng truy nã
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập193
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm191
  • Hôm nay25,858
  • Tháng hiện tại2,094,456
  • Tổng lượt truy cập109,672,305
phieukhaosat
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây