Những điểm mới trong Nghị định số 93/2024/NĐ-CP ngày 18/7/2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2013/NĐ-CP ngày 11/10/2013 của Chính phủ

Chủ nhật - 12/01/2025 21:23 95 0
          Ngày 18/7/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 93/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2013/NĐ-CP ngày 11/10/2013 của Chính phủ quy định về tạm ngừng lưu thông, phong tỏa, niêm phong, tạm giữ và xử lý đối với tiền, tài sản liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố; xác lập danh sách tổ chức, cá nhân liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố (gọi tắt là Nghị định 93). Việc sửa đổi này là một bước tiến quan trọng trong việc cải thiện khung pháp lý liên quan đến phòng chống khủng bố và tài trợ khủng bố tại Việt Nam, nhằm phù hợp hơn với pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam hiện hành.
          Theo đó, Nghị định này đã bổ sung, quy định rõ hơn về phạm vi, đối tượng, nguyên tắc áp dụng, cũng như quy định chặt chẽ hơn về điều kiện, thời hạn, thẩm quyền, quy trình thủ tục áp dụng các biện pháp và xử lý đối với tiền, tài sản liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố. Những quy định này không chỉ góp phần tăng cường an ninh quốc gia mà còn đảm bảo rằng Việt Nam tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế về chống khủng bố, tài trợ khủng bố và rửa tiền. Sự chặt chẽ trong việc quản lý tiền, tài sản, thông tin liên quan đến các tổ chức và cá nhân bị nghi ngờ liên quan đến khủng bố cũng sẽ góp phần bảo vệ hệ thống tài chính và kinh tế quốc gia khỏi các tác động tiêu cực của hoạt động khủng bố. Nghị định 93 có hiện lực thi hành kể từ ngày 01/9/2024 và có những điểm mới, đó là:
          - Về đối tượng áp dụng: Nghị định 93 quy định rõ hơn, cụ thể hơn đối với 06 dạng chủ thể bao gồm: (1) Tổ chức tài chính; (2) Tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành, nghề phi tài chính có liên quan; (3) Tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức nước ngoài, người nước ngoài, tổ chức quốc tế có giao dịch với tổ chức tài chính, tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành, nghề phi tài chính có liên quan; (4) Doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính; (5) Tổ chức, cá nhân khác và (6) Các cơ quan, người có thẩm quyền thực hiện tạm ngừng lưu thông, phong tỏa, niêm phong, tạm giữ, xử lý đối với tiền, tài sản liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố; xác lập danh sách tổ chức, cá nhân liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố”.
- Về biện pháp áp dụng: Bên cạnh việc quy định về tạm ngừng lưu thông, phong tỏa, niêm phong, tạm giữ, xử lý đối với tiền, tài sản liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố, Nghị định số 93 bổ sung thêm quy định về “Trì hoãn giao dịch”, cụ thể là: “Trì hoãn giao dịch là việc tổ chức, cá nhân không thực hiện giao dịch tiền, tài sản có căn cứ để nghi ngờ giao dịch này liên quan đến khủng bố trong thời hạn nhiều nhất 03 ngày làm việc kể từ khi áp dụng biện pháp này”. Và quy định rõ trách nhiệm của chủ thể thực hiện biện pháp này như sau: Thông qua hoạt động tài chính, hoạt động kinh doanh ngành nghề phi tài chính có liên quan, các tổ chức tài chính, tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành, nghề phi tài chính có liên quan (đó là các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng…), có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra, rà soát khách hàng, giao dịch của khách hàng và các bên liên quan đến giao dịch của khách hàng với danh sách tổ chức, cá nhân liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố (danh sách được công bố trên Cổng thông tin điện tử Bộ Công an, tại địa chỉ https://bocongan.gov.vn/khung-bo/to-chuc-khung-bo.html); khi có căn cứ để nghi ngờ hoặc phát hiện khách hàng, các bên liên quan đến giao dịch của khách hàng thuộc danh sách tổ chức, cá nhân liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố hoặc khi có lý do để tin rằng giao dịch được yêu cầu thực hiện có liên quan tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi có liên quan đến tài trợ khủng bố thì tổ chức tài chính, tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành, nghề phi tài chính có liên quan phải áp dụng ngay biện pháp trì hoãn giao dịch; trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nghi ngờ hoặc phát hiện tiền, tài sản liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố, tổ chức tài chính, tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành, nghề phi tài chính có liên quan phải báo cáo ngay việc áp dụng biện pháp trì hoãn giao dịch và gửi kèm các tài liệu có liên quan cho Cơ quan phòng, chống khủng bố Bộ Công an hoặc Cơ quan phòng, chống khủng bố Công an cấp tỉnh, Cơ quan thực hiện chức năng, nhiệm vụ phòng, chống rửa tiền thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; báo cáo giao dịch đáng ngờ về tài trợ khủng bố cho Cơ quan thực hiện chức năng, nhiệm vụ phòng, chống rửa tiền thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
          - Về thẩm quyền áp dụng: Nghị định số 93 đã bổ sung thêm thẩm quyền của người đứng đầu Cơ quan phòng, chống khủng bố Bộ Công an, Bộ Quốc phòng trong phạm vi các mục tiêu, địa bàn quản lý và quy định chi tiết hơn về các thẩm quyền thực hiện các biện pháp (trì hoãn giao dịch, tạm ngừng lưu thông, phong toả, niêm phong, tạm giữ tiền, tài sản liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố) và quyết định tịch thu, nộp ngân sách nhà nước hoặc tiêu huỷ hoặc trả lại tiền, tài sản liên quan này (thẩm quyền này thuộc Bộ Công an hoặc Bộ Quốc phòng). Nghị định 93 cũng quy định rõ Người đứng đầu cơ quan phòng, chống khủng bố Bộ Công an và Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, có thẩm quyền: “Yêu cầu thực hiện trì hoãn giao dịch, quyết định tạm ngừng lưu thông, phong tỏa, niêm phong, tạm giữ đối với tiền, tài sản liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố được quy định tại Nghị định này; xem xét việc cho phép tổ chức, cá nhân có tiền, tài sản bị tạm ngừng lưu thông, phong tỏa, niêm phong, tạm giữ tiếp cận, sử dụng toàn bộ hoặc một phần tiền, tài sản bị tạm ngừng lưu thông, phong tỏa, niêm phong, tạm giữ để sử dụng cho các nhu cầu thiết yếu của cá nhân, gia đình và thanh toán cho các nghĩa vụ hợp pháp khác của tổ chức, cá nhân có tiền, tài sản bị tạm ngừng lưu thông, phong tỏa, tạm giữ trong trường hợp tổ chức, cá nhân đó không có tiền, tài sản, nguồn tài chính, kinh tế khác”.
          - Về thời hạn xem xét, quyết định các biện pháp: Nghị định 93 cũng đã bổ sung thêm Điều 16a: “Thời hạn xem xét, quyết định việc tạm ngừng lưu thông, phong tỏa, niêm phong, tạm giữ, xử lý đối với tiền, tài sản liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố được thực hiện theo quy định tại Điều 8, Điều 9, Điều 10 Nghị định này.”.
          - Về các hành vi bị nghiêm cấm: Nghị định 93 đã bổ sung thêm quy định mới, phù hợp với biện pháp mới, đó là “lợi dụng việc trì hoãn giao dịch” trong các biện pháp; đồng thời giải thích thêm nội hàm của khoản 3, Điều 5 là “tạo điều kiện, giúp sức, huy động, hỗ trợ trực tiếp hay gián tiếp, một phần hoặc toàn bộ tiền, tài sản, nguồn tài chính, kinh tế, dịch vụ tài chính và địch vụ khác cho tổ chức, cá nhân liên quan khủng bố, tài trợ khủng bố”.
          - Về xử lý vi phạm: Nghị định 93 đã bổ sung thêm Điều 14a: “Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định của Nghị định này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị áp dụng các hình thức xử lý kỷ luật, xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”.

Tác giả bài viết: Nguyễn Sỹ Hoàng, Phòng An ninh nội địa

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Đường dây nóng
Lịch tiếp công dân
Cổng thông tin BCA
Văn bản pháp luật
Dịch vụ công trực tuyến
Hộp thư góp ý
Chuyển đổi số
Bộ Pháp điển
Đối tượng truy nã
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập135
  • Thành viên online1
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm131
  • Hôm nay71,539
  • Tháng hiện tại1,701,067
  • Tổng lượt truy cập111,852,272
phieukhaosat
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây