Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế và xã hội, đặc biệt là sự bùng nổ của công nghệ thông tin kéo theo những hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản biến tướng, tinh vi, xảo quyệt. Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Hậu Giang xuất hiện các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản với nhiều dạng thủ đoạn huy động vốn vào dự án bất động sản ma thông qua phương thức đa cấp, chơi hụi…
Nhằm nâng cao tinh thần cảnh giác trong Nhân dân, tổ chức, doanh nghiệp chủ động phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hậu Giang cung cấp một số phương thức, thủ đoạn của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và biện pháp phòng ngừa, cụ thể như sau:
1. Phương thức, thủ đoạn Lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua việc huy động vốn theo mô hình đa cấp
Các đối tượng lợi dụng sự thiếu hiểu biết pháp luật, đánh vào lòng tham của người dân để tạo dựng một hệ thống kinh doanh nhằm huy động vốn theo mô hình đa cấp vào dự án bất động sản không có thật.
Các đối tượng đã vẽ ra loại hình kinh doanh hợp tác đầu tư để đồng phạm và cộng tác viên hệ thống kinh doanh tìm khách hàng ở nhiều nơi nhằm tư vấn, kêu gọi góp vốn đầu tư xây dựng dự án với cam kết sẽ trả lãi và sinh lời cao. Để khách hàng tin tưởng vào tính hợp pháp của dự án, các đối tượng sẽ đại diện giao dịch với khách hàng thông qua hợp đồng hợp tác đầu tư, hợp đồng đại lý mua bán.
2. Phương thức, thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản qua chơi hụi
Thủ đoạn của các chủ hụi thường là khi các hụi viên hốt hụi được chủ hụi giao tiền rất sòng phẳng và đúng hạn nhằm tạo lòng tin, khi đã tạo được lòng tin thì chủ hụi lợi dụng việc các hụi viên không tham gia đi bỏ thăm khui hụi đầy đủ nên đã dùng nhiều thủ đoạn gian dối như: Dùng tên khống, số phần khống tham gia chơi hụi hốt lấy tiền; tự ý lấy hụi của hụi viên để hốt; bán hụi khống và để cho nhiều hụi viên cùng hốt chót để lấy hụi của những hụi viên này hốt trong quá trình tổ chức các dây hụi nhằm chiếm đoạt tiền của hụi viên. Thế nhưng, khi đã gom và lừa được số tiền lớn, chủ hụi liền “cao chạy, xa bay” thì hụi viên mới biết việc.
3. Biện pháp phòng ngừa của người dân
Trước khi đầu tư tiền vào một lĩnh vực kinh doanh, một dự án bất động sản thì người dân, tổ chức, doanh nghiệp cần tìm hiểu về các quy định của pháp luật, tính pháp lý của công ty và dự án bất động sản, đặc biệt là phải am hiểu về lĩnh vực kinh doanh mà mình sắp đầu tư.
Lựa chọn các công ty thật sự uy tín, có độ tin cậy cao và có khả năng tài chính để hợp tác đầu tư nhằm tránh rủi ro, thất thoát tài sản. Bên cạnh đó, người dân, tổ chức, doanh nghiệp khi chuyển giao tài sản để hợp tác làm ăn với cá nhân hoặc công ty thì chứng từ, hợp đồng giao dịch cần kiểm tra kỹ nội dung và tiến hành công chứng, chứng thực để đảm bảo tính pháp lý, nếu sau này có xảy ra tranh chấp, khởi kiện.
Nhằm tránh rủi ro khi chơi hụi, người dân chỉ nên chơi hụi khi thấy rõ sự an toàn như: Người chủ hụi có độ tin cậy cao, các thành viên biết rõ về nhau, hụi không có lãi suất hoặc lãi suất thấp. Ngoài ra, việc chơi hụi nhất thiết phải có sổ sách ghi chép cẩn thận, giấy tờ biên nhận rõ ràng, có chữ ký của cả hai bên về việc giao nhận tiền, biết rõ người nhận hụi sau mỗi kỳ góp hụi. Đặc biệt, trước khi quyết định tham gia vào một nhánh hụi nào đó, người chơi cần tìm hiểu rõ các quy định của pháp luật liên quan (Nghị định số 19/2019/NĐ-CP, ngày 19/02/2019 của Chính phủ về họ, hụi, biêu, phường). Việc hiểu rõ bản chất của mô hình họ, hụi, biêu, phường là yếu tố, thông tin quan trọng để lựa chọn những người chủ hụi cũng như các thành viên trong nhóm hụi có độ tin cậy cao, lý lịch rõ ràng. Ngoài ra, khi cần người dân có thể đến các ngân hàng gửi tiết kiệm hoặc vay vốn, thủ tục đơn giản, thuận tiện./.
Tổ Biên tập