CÔNG AN TỈNH HẬU GIANGhttps://congan.haugiang.gov.vn, congan.haugiang.gov.vn/uploads/logoca.png
Thứ hai - 16/08/2021 03:402.9040
Thời gian qua, tình trạng phát tán tin giả, tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh và công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 có dấu hiệu gia tăng. Đáng chú ý, đây là thách thức không chỉ đối với Việt Nam mà còn với cả các nước trên thế giới. Sự xuất hiện nhiều tin giả về dịch Covid-19 có thể “đổ thêm dầu vào lửa”, làm đại dịch Covid-19 trở nên nghiêm trọng và khó đối phó hơn.
Tại Việt Nam, hồi tháng 5, mạng xã hội Facebook xuất hiện nhiều bài viết “mọi người ơi, mình có thuốc Nam trị Covid-19...”. Trước đó, nhiều người dân Quảng Ngãi đã lan truyền thông tin “Ăn trứng gà chữa được dịch Covid-19”. Đến giữa tháng 7, tin giả danh các nhà khoa học Singapor và mạo nguồn Bộ Y tế xuất hiện tràn lan trên Facebook: “... có thể điều trị Covid-19 bằng thuốc kháng sinh, kháng viêm và chống đông máu”. Thông tin thất thiệt “một người đàn ông ở Thủ Đức tự thêu vì bức xúc chính sách chống dịch của địa phương”;“nhiều thi thể chết vì Covid-19 đang xếp hàng dài tại Thành phố Hồ Chí Minh”... Đáng chú ý, mới đây vào ngày 06/8/2021, Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam (VAFC) đã phát thông báo về việc phát hiện nhiều tài khoản Facebook cá nhân chia sẻ, phát tán nội dung được cho là phát ngôn của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về công tác phòng, chống dịch Covid-19. Qua xác minh, VAFC khẳng định đây là thông tin giả mạo, xuyên tạc phát ngôn của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Nội dung các tin giả về Covid-19 chủ yếu tập trung vào việc kích động vùng miền, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, tung tin sai sự thật về hiệu quả của các loại vắc xin Covid-19, xuyên tạc việc sử dụng Quỹ vắc xin phòng, chống Covid-19, diễn biến dịch bệnh tại những điểm nóng như Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Nam, xuyên tạc về các biện pháp phòng chống dịch bệnh của Chính phủ và các địa phương. Trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, có 03 vấn đề rất dễ “mẫn cảm” với tin giả: (1) Lòng tin của người dân với tính hiệu quả của chính sách chống dịch; (2) Sự an tâm của người dân về y tế (vắc xin, chữa bệnh, cấp cứu), hệ thống sinh kế (ăn ở, thu nhập...); (3) Sự chia sẻ với những người xung quanh. “Đại dịch tin giả” có thể sinh ra tâm lý hoài nghi; không tuân theo khuyến cáo y tế; đố kỵ và so bì, gây nguy hiểm đối với sự an toàn, sức khỏe của mỗi cá nhân và đe dọa nỗ lực của cả hệ thống chính trị và Nhân dân trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. Việc xuất hiện nhiều thông tin giả mạo được phát tán tràn lan trên không gian mạng đã làm giảm niềm tin của người dân vào công tác phòng, chống dịch, gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch bệnh. Trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, dù đã có nhiều cảnh báo về việc đưa tin giả, tin sai sự thật về dịch bệnh Covid-19 là vi phạm pháp luật, tuy nhiên vẫn còn trường hợp sử dụng mạng xã hội (Facebook, Tiktok, Zalo…) đăng tải thông tin sai sự thật về công tác phòng, chống dịch. Từ đầu năm đến nay, Công an tỉnh đã phát hiện 05 trường hợp, xử phạt vi phạm hành chính 01 trường hợp với số tiền 05 triệu đồng; giáo dục, nhắc nhở, viết cam kết không tái phạm 04 trường hợp. Từ tình hình trên, Công an tỉnh khuyến cáo người dân cần cẩn trọng, tỉnh táo trong việc tiếp nhận, chia sẻ thông tin trên mạng xã hội, tránh tình trạng tiếp tay cho nạn tinh giả, làm ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, đồng thời tránh việc đưa bản thân trở thành người vi phạm pháp luật./.