Thậm chí để tăng sức thuyết phục nhiều người còn tự nhận mình đã từng mắc bệnh nhưng nay đã hoàn toàn khỏi nhờ làm theo các cách chữa trị như: Nấu sả với vỏ chanh, gừng, mật ong hay kết hợp nước dừa với gừng và đường phèn dùng để uống hàng ngày; xông hơi bằng sả, dầu gió kết hợp với giấm; uống nước chanh nóng với gừng; thoa dầu gió vào lỗ mũi khi đeo khẩu trang ra đường. Một vài bài thuốc khác nữa được đưa ra là uống nước tiểu kết hợp với các thực phẩm dinh dưỡng; nuốt giun đất sống kết hợp với địa long sấy khô để trị bệnh Covid-19; xông tỏi… Nhưng hiệu quả thực sự của các bài thuốc này đến nay vẫn chưa có đề tài khoa học nào chứng minh, chưa được cơ quan y tế nào chứng nhận công dụng.
Hiện nay, tất cả các khuyến cáo của Bộ Y tế đều nhằm mục đích bảo vệ sức khỏe cho người dân trước đại dịch Covid-19, thay vì tin và tìm kiếm các bài thuốc trôi nổi trên mạng xã hội, mỗi người chúng ta hãy thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế, như: Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc nước sát khuẩn, mang khẩu trang khi ra đường, hạn chế tụ tập đông người, giữ khoảng cách và khai báo y tế...
Bên cạnh đó, Chính phủ đã quy định phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân (khoản 1, Điều 101, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP, ngày 03/02/2020 về quy định xử phạt vi phạm hành chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử). Vì vậy, mỗi cá nhân nên có trách nhiệm hơn, đề cao ý thức pháp luật khi sử dụng mạng xã hội; không nên đăng tải, chia sẻ tùy tiện thông tin khi chưa được kiểm chứng nhằm tránh gây nguy hại cho người khác cũng như bản thân./.