CÔNG AN TỈNH HẬU GIANGhttps://congan.haugiang.gov.vn, congan.haugiang.gov.vn/uploads/logoca.png
Thứ năm - 30/11/2023 04:062.9090
Trên không gian mạng, con người có thể dễ dàng được kết nối với nhau, được tiếp cận thông tin nhanh chóng và miễn phí, được học hỏi nhiều kiến thức và kỹ năng mới. Tuy nhiên, cùng với đó thì việc chấp hành, tuân thủ các quy định của pháp luật về an ninh mạng còn chưa nghiêm; tội phạm sử dụng công nghệ cao ngày càng xuất hiện nhiều phương thức, thủ đoạn mới; các thế lực thù địch lợi dụng không gian mạng để tuyên truyền những thông tin chống phá Đảng, Nhà nước. Vì vậy mọi người tham gia trên không gian mạng cần cảnh giác trước các “cạm bẩy” đặt ra.
Trước nhiều thủ đoạn lừa đảo tinh vi, phức tạp, Bộ Thông tin và Truyền thông phát động chiến dịch “Tháng hành động tuyên truyền về nhận diện và phòng, chống lừa đảo trực tuyến” với 24 hình thức lừa đảo đangdiễn ra trên không gian mạng, phổ biến nhất là một số thủ đoạn sau: (1) Lừa đảo qua hack tài khoản mạng xã hội: Đối tượng thực hiện thao tác chiếm quyền sử dụng tài khoản các mạng xã hội như: Facebook, Zalo sau đó mạo danh chủ tài khoản nhắn tin cho những người thân, người quen biết trên mạng xã hội để mượn tiền hoặc nhờ nạn nhân chuyển tiền vào một số tài khoản khác với nhiều lý do khác nhau. Với thủ đoạn này, nạn nhân thường không nghi ngờ vì nghĩ đúng là người thân của mình đang cần giúp đỡ nên đã tin tưởng chuyển tiền mà không cần liên lạc trực tiếp kiểm tra. (2) Lừa đảo qua gửi nhận quà từ nước ngoài: Qua mạng các trang mạng xã hội, đối tượng làm quen với nạn nhân, sau thời gian trò chuyện, tạo dựng niềm tin sẽ lấy lý do gửi quà, đồ vật giá trị, thậm chí là ngoại tệ, vàng nhờ nhận, quản lý, lưu giữ. Khi nạn nhân đồng ý, đối tượng lừa đảo sẽ giả danh nhân viên sân bay, hải quan, thuế... để yêu cầu nạn nhân chuyển tiền làm các thủ tục thông quan. Vì nhẹ dạ, bị hấp dẫn bởi món quà giá trị cao, nhiều người đã mắc bẫy, chuyển tiền nhiều lần cho tội phạm, chỉ tới khi bị mất số tiền lớn, nạn nhân mới nhận ra mình bị lừa đảo.
(3) Lừa đảo qua vay tiền online: Các đối tượng lừa đảo giả danh là nhân viên của các công ty tài chính tìm cách tiếp cận người cần vay tiền thông qua các hình thức gọi điện, nhắn tin đến số điện thoại hoặc đăng tải các bài viết trên các trang mạng xã hội Facebook, Zalo… Khi có người vay tiếp cận, chúng sẽ yêu cầu người vay cung cấp thông tin cá nhân, như: Họ tên, số điện thoại, ảnh chụp Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân, ảnh chụp chân dung… Sau đó, chúng yêu cầu người vay phải đóng một khoản tiền phí để đảm bảo, xác minh, hỗ trợ duyệt vay, nhưng sau khi nạn nhân đã chuyển tiền, chúng lại tiếp tục nêu các lý do khoản vay không được giải ngân xuất phát từ lỗi khai hồ sơ của người vay, yêu cầu người vay tiếp tục nộp thêm tiền để khắc phục các lỗi sai trên và hứa sẽ hoàn trả lại sau khi hoàn tất các thủ tục theo quy định. Tuy nhiên, khi nạn nhân tiếp tục chuyển tiền, chúng sẽ chiếm đoạt và ngắt liên lạc.
(4) Giả danh ngân hàng để lừa đảo: Đối tượng sử dụng sim điện thoại khuyến mại giả danh nhân viên ngân hàng gọi điện cho nạn nhân thông báo có chương trình tri ân khách hàng, đề nghị nạn nhân cung cấp số điện thoại đăng ký dịch vụ Internet Banking, Mobile Banking và mã xác thực OTP để nhận quà tặng là một khoản tiền có giá trị lớn từ ngân hàng; sau đó, đối tượng chiếm quyền sử dụng tài khoản và chuyển tiền sang tài khoản bọn chúng để chiếm đoạt. (5) Lừa đảo qua đầu tư các sàn tiền ảo: Thủ đoạn chung của các đối tượng là tạo tài khoản mạng xã hội khoe mẻ giàu có, thu nhập ổn định rồi kết bạn, làm quen với nạn nhân. Sau đó tương tác, giới thiệu, kêu gọi đầu tư tài chính nhưng thực chất là tham gia các sàn giao dịch điện tử. Một vài lần giao dịch đầu tiên, nạn nhân sẽ có một số lợi nhuận nhỏ nhưng đến khi nạn nhân đã tin tưởng, các đối tượng lừa đảo dẫn dụ bỏ ra số tiền đầu tư lớn, sau khi huy động được số vốn nhất định, các đối tượng sẽ đánh sập sàn và chiếm đoạt tiền đầu tư của nạn nhân. (6) Lừa đảo bán hàng đa cấp trực tuyến: Các đối tượng lừa đảo lập các trang mạng xã hội để bán các mặt hàng như: mỹ phẩm, nước hoa… Chúng thuê người chạy quảng cáo, tăng lượt tương tác trên mạng xã hội để tuyển cộng tác viên bán hàng. Một bộ phận người dân vì ham lợi nhuận, thiếu hiểu biết về công nghệ bị lôi kéo tham gia cộng tác viên, phải bỏ tiền ra mua hàng của các đường dây lừa đảo, nhưng sau đó không bán được, phải “ôm” hàng kém chất lượng với trị giá hàng chục triệu, thậm chí hàng trăm triệu đồng. (7) Lừa đảo qua dịch vụ lấy lại tài khoản Facebook bị mất: Các đối tượng lừa đảo sẽ chủ động tìm thông tin để liên lạc với nạn nhân hoặc thông qua quảng cáo dịch vụ lấy lại tài khoản Facebook bị mất, qua đó, bọn chúng sẽ yêu cầu nạn nhân cung cấp các thông tin cá nhân như tên đăng nhập, mật khẩu, số điện thoại, địa chỉ e-mail, mã OTP, hoặc thông tin thẻ tín dụng để xác minh danh tính lấy lại tài khoản, các đối tượng còn yêu cầu nạn nhân phải đóng một khoản tiền phí nhưng sau khi đạt được mục đích, bọn chúng lập tức ngắt liên lạc với nạn nhân. (8) Rao bán hàng giả, hàng nhái trên sàn thương mại điện tử: Theo Tổng cục Quản lý thị trường- Bộ Công Thương, nhiều cơ sở kinh doanh trả phí cho Facebook, Google để quảng cáo hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Trong năm 2022, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương đã gỡ bỏ 1.663 gian hàng với 6.437 sản phẩm vi phạm; chặn 5 website có dấu hiệu lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng nhái và hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đặc biệt trong thời điểm bùng phát dịch Covid-19 năm 2021, các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương đã yêu cầu các nền tảng thương mại điện tử rà soát và gỡ bỏ gần 14.000 sản phẩm, thiết bị hỗ trợ điều trị COVID-19... có dấu hiệu vi phạm trên gần 4.300 gian hàng. (9) Lợi dụng dịch vụ quảng cáo của Facebook, Google, Youtube… để quảng bá, phát tán các sản phẩm cờ bạc các hình thức phổ biến như cá cược thể thao, nhất là cá độ bóng đá; lô đề, các loại hình cá cược lợi dụng trò chơi trực tuyến (game online)... đưa ra các phần thưởng hấp dẫn, tặng mã khuyến mãi có giá trị để thu hút, lôi kéo người tham gia. - Các nguy cơ khác hiện nay đangdiễn ra. + Các cuộc gọi quấy rối, quảng cáo xuất hiện ngày càng nhiều: Thời gian gần đây, trên không gian mạng ngày càng xuất hiện thêm nhiều hình thức gọi điện quấy rối, quảng cáo... Đây là hệ quả từ việc ý thức bảo vệ dữ liệu thông tin của một bộ phận người dân chưa cao. Theo thống kê, hiện số lượng người sử dụng Internet của Việt Nam đã đạt trên 70% dân số và dữ liệu cá nhân của hơn 2/3 dân số Việt Nam đang được lưu trữ, đăng tải, chia sẻ và thu thập trên không gian mạng với nhiều hình thức khác nhau. + Các hành vi “lệch chuẩn” trên không gian mạng: Mạng xã hội là nơi tiếp nhận và lan tỏa những thông tin tích cực, cho phép người dùng được thoải mái thể hiện quan điểm cá nhân, nhưng không kiểm soát, chặn được hết những thông tin “xấu, độc” nên một bộ phận người dùng nghĩ có thể tự do thể hiện quan điểm trong khi không đủ kỹ năng, trình độ để phân tích thông tin, thông điệp mà các đối tượng xấu cố tình tạo dựng, lan truyền từ đó gây nên những hệ lụy khôn lường. Không ít người đã và đang có biểu hiện của sự “tha hóa”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, thường xuyên có cái nhìn tiêu cực đối với mọi vấn đề, một số người chỉ vì muốn tăng lượng tương tác, muốn thỏa mãn “quyền lực ảo” trên mạng xã hội mà đã vô tình hoặc cố ý tiếp tay cho những thủ đoạn công kích, chống phá của các đối tượng xấu, từ đó lan truyền những ý kiến bất mãn, những góc nhìn phiến diện, sai sự thật trên không gian mạng. Bên cạnh đó, có một bộ phận người dùng tự cho mình có quyền bôi nhọ, nói xấu người khác trên mạng xã hội, nghĩ đó là những câu chuyện hết sức bình thường, nhưng hậu quả nó mang đến lại vô cùng to lớn. Hành vi trên là vi phạm pháp luật đã có nhiều trường hợp bị cơ quan chức năng xử lý về các hành vi tuyên truyền thông tin sai sự thật trên không gian mạng. Đó là một số nguy cơ, thách thức đặt ra đối với người dùng và các cơ quan chức năng trên môi trường không gian mạng. Nguyên nhân hàng đầu dẫn đến những nguy cơ kể trên là do người dùng dành quá nhiều thời gian trên không gian mạng, xem không gian mạng là môi trường sống của mình. Có nhiều thông tin đời tư được chia sẻ để các đối tượng xấu dễ dàng tiếp cận, thực hiện các hành vi lừa đảo. Một số người xa rời cuộc sống thực tế, thoải mái thể hiện tâm tư, tình cảm, quan điểm trên mạng xã hội mà không bị ràng buộc về không gian, thời gian từ đó dẫn đến biểu hiện “ngáo quyền lực” trên mạng xã hội, tùy ý công kích người khác mà không nghĩ đến hậu quả; việc xa rời cuộc sống thực tế cũng làm người dùng hạn chế tiếp thu nhiều kiến thức, thông tin chính thống dễ dàng lạc vào “ma trận” thông tin xấu, độc từ đó bị thoái hóa, biến chất về tư tưởng. Vì vậy, hãy sử dụng mạng xã hội một cách thông minh, có kiểm soát, vì an toàn của bản thân cũng như góp phần vào công tác bảo đảm an ninh trên không gian mạng. Do đó để phòng, tránh thiệt hại cho bản thân cũng như bài trừ các hành vi vi phạm pháp luật của các loại tội phạm, các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, các tổ chức, cá nhân khi tham gia môi trường mạng cần lưu ý một số nội dung sau: 1. Chỉ kết nối, giao lưu với những người mình thực sự biết và tin tưởng. Cần hết sức cẩn thận khi chia sẻ những hoạt động đời tư, những thông tin cá nhân dễ bị lợi dụng vào hoạt động lừa đảo như: hình ảnh, sở thích, email, số điện thoại, địa chỉ nhà riêng hoặc cơ quan, danh sách người thân... Tuyệt đối không cung cấp các thông tin liên quan đến tài khoản ngân hàng như: số điện thoại sử dụng Internet Banking, Mobile Banking, mã OTP… cho người khác. Không truy cập vào các đường link lạ, đường dẫn đến các trang mạng có nội dung không lành mạnh tiềm ẩn nhiều nguy cơ lừa đảo. Khi thực hiện các giao dịch chuyển tiền phải xác minh rõ danh tính người nhận, không chuyển khi chưa trao đổi trực tiếp hoặc gặp mặt. 2. Tuyệt đối không tham gia các hình thức đánh bạc trên không gian mạng như cá cược bóng đá, lô đề, cá cược thông qua game online… Không quảng cáo, mua bán, sử dụng hàng giả, hàng nhái trên các sàn giao dịch điện tử. 3. Cần tiếp thu có chọn lọc những thông tin tiếp cận trên mạng xã hội. Chọn cho mình những trang mạng uy tín, chính thống hoặc các trang ngôn luận của Đảng, Nhà nước để đăng ký, theo dõi. Sử dụng mạng xã hội một cách văn minh, có ý thức; biết tôn trọng nhân phẩm, danh dự, quyền lợi của người khác; đặc biệt là danh dự của bản thân trong mỗi bài viết, mỗi hình ảnh, mỗi comment trên mạng xã hội. Tuyệt đối không đăng tải, chia sẻ các bài viết, các thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khác; không tung tin giả, tin sai sự thật; sử dụng ngôn ngữ phản cảm, trái với thuần phong mỹ tục… 4. Tuyệt đối không đăng tải, chia sẻ, like những bài viết có thông tin phản ánh sai tình hình thực tiễn đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại ở Việt Nam; phủ nhận truyền thống cách mạng, bản chất cách mạng cao đẹp của lực lượng vũ trang; bóp méo công tác phòng chống tham nhũng của Đảng… Các thông tin do các thế lực thù địch tạo dựng rất tinh vi, thật giả lẫn lộn, khó nhận diện, vì vậy người dùng khi tiếp xúc với những thông tin này phải trang bị cho mình bản lĩnh chính trị, kiến thức xã hội vững vàng để không bị lôi kéo, kích động. Mọi hành vi cổ xúy cho các luận điệu xuyên tạc, chống phá Đảng sẽ được xử lý nghiêm minh trước pháp luật. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp khi chạy quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội không để nội dung quảng cáo bị gắn vào các trang có nội dung chống phá Đảng, Nhà nước.