Ngày 18/5/2025, tại Hà Nội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW, ngày 30-4-2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới và Nghị quyết số 68-NQ/TW, ngày 4-5-2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến đến các điểm cầu trong cả nước.
Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu Công an tỉnh Hậu Giang
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trình bày chuyên đề “Nội dung trọng tâm, cốt lõi của Nghị quyết số 68-NQ/TW, ngày 4-5-2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân và kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 68-NQ/TW” và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn trình bày chuyên đề “Nội dung trọng tâm, cốt lõi của Nghị quyết số 66-NQ/TW ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới và kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW”. Theo đó, Nghị quyết số 66-NQ/TW xác định mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam có hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, đồng bộ, thống nhất, công khai, minh bạch, khả thi với cơ chế tổ chức thực hiện nghiêm minh, nhất quán, bảo đảm cơ sở pháp lý cho hoạt động bình thường, liên tục, thông suốt của các cơ quan sau sắp xếp tổ chức bộ máy, tháo gỡ vướng mắc phát sinh từ thực tiễn, mở đường cho kiến tạo phát triển, huy động mọi người dân và doanh nghiệp tham gia vào phát triển kinh tế - xã hội để đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Nghị quyết số 68 xác định mục tiêu đến năm 2030, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia; là lực lượng tiên phong trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu của Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị và các chủ trương, đường lối khác của Đảng.
Dự Hội nghị tại điểm cầu Công an tỉnh Hậu Giang, các đồng chí trong Đảng ủy, Ban Giám đốc; đại diện lãnh đạo Công an các đơn vị và cán bộ, chiến sĩ
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ, những đổi mới, cải cách tập trung vào bốn đột phá là: Nghị quyết số 57 của Bộ chính trị về thúc đẩy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, Nghị quyết số 59 về chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, Nghị quyết số 66 về đổi mới toàn diện công tác xây dựng, thi hành pháp luật và Nghị quyết số 68 về phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân. Các Nghị quyết này là “Bộ tứ trụ cột” để giúp đất nước cất cánh trong thời gian tới. Sau gần 40 thực hiện công cuộc đổi mới, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Nhấn mạnh yêu cầu đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị, cần phân cấp phân quyền rõ ràng, xóa bỏ cơ chế xin cho, triệt tiêu vấn đề lợi ích cục bộ; đổi mới căn bản tư duy xây dựng pháp luật chuyển từ tư duy quản lý sang phục vụ, từ bị động sang chủ động kiến tạo cho sự phát triển, xây dựng pháp luật phải đi trước một bước, đảm bảo tính dự báo cao, phù hợp với thực tiễn, với yêu cầu của sự phát triển nhanh chóng của đất nước. Năm 2025 là năm bản lề mở ra kỷ nguyên mới, Tổng Bí thư đề nghị cả hệ thống chính trị cần triển khai các nhiệm vụ một cách nhanh chóng, bài bản, thực chất, lấy hiệu quả thực tế làm tiêu chí đánh giá. Đặc biệt, cần khẩn trương 8 nhiệm vụ trọng tâm trong đó, nhanh chóng hoàn thiện và ban hành các chương trình, kế hoạch hành động quốc gia thực hiện 4 nghị quyết, bảo đảm gắn kết chặt chẽ, xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, lộ trình và phân công cụ thể. Đồng thời, lập bộ chỉ số theo dõi, đánh giá định kỳ. Khẩn trương rà soát toàn diện hệ thống pháp luật, triển khai sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ các quy định bất cập theo tinh thần Nghị quyết 66-NQ/TW. Đẩy mạnh truyền thông, tạo đồng thuận xã hội: xây dựng các chương trình truyền thông quốc gia về từng nghị quyết; tăng cường đối thoại chính sách giữa Chính phủ, doanh nghiệp, người dân và giới trí thức, huy động trí tuệ xã hội cho quá trình triển khai.