Vì một cái Tết trọn vẹn, bình yên

Thứ sáu - 26/01/2024 01:57 1.133 0
Tết đến xuân về, là dịp để mọi người sum họp bên người thân, bạn bè; mời rượu, bia trong những buổi tiệc mừng xuân để chúc mừng năm mới cũng là một trong những nét văn hóa truyền thống không thể thiếu của người Việt. Tuy nhiên, nếu “vui quá chén”, lạm dụng rượu, bia sẽ gây ra nhiều tác hại đối với sức khỏe, thậm chí tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an ninh, trật tự tại địa phương.
     Khi uống rượu, bia, nhất là khi đã say, nhiều người sẽ không thể kiểm soát được hành vi của mình, dẫn đến việc không chấp hành pháp luật, không nhận thức được hậu quả mà có nhiều hành vi quá khích làm ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của bản thân và người khác. Thường gặp là các hành vi gây gỗ, đánh nhau vì những mâu thuẫn nhỏ, nhất thời, bạo hành gia đình và một vấn đề thời gian qua được xã hội quan tâm là hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông sau khi uống rượu, bia dẫn đến nguy cơ gây tai nạn giao thông. Những hành vi trên nhẹ thì gây mất “tình làng nghĩa xóm”, bị phạt tiền, nặng thì bị tổn hại sức khỏe, tính mạng, tan vỡ hạnh phúc gia đình, thậm chí bị xử lý hình sự, những điều mà trước và sau cơn say không một ai mong muốn xảy ra.
Rượu bia và những hệ quả xấu gây ra (ảnh minh họa, nguồn internet)
     Trong năm 2023 vừa qua, số vụ tội phạm cố ý gây thương tích chiếm 25% tổng số vụ tội phạm trật tự xã hội trên địa bàn tỉnh, trong đó có khoảng 17% số vụ có liên quan đến rượu, bia từ những mâu thuẫn nhỏ, nhất thời. Qua công tác tuần tra kiểm soát, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn tỉnh đã lập biên bản vi phạm hành chính trên 5.300 trường hợp vi phạm quy định về nồng độ cồn, chiếm khoảng 18% tổng số vi phạm về trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh. Đã có nhiều người bị tổn hại về sức khỏe, tinh thần, nhiều trường hợp vướng vòng lao lý, cùng hàng ngàn trường hợp bị xử phạt hành chính cho chúng ta thấy hậu quả to lớn của việc không chấp hành pháp luật khi sử dụng rượu, bia.
Lực lượng Cảnh sát giao thông tăng cường
kiểm tra nồng độ cồn trong những ngày cận Tết
(Ảnh: Hoài Xuyên)
     Nhằm đảm bảo cho người dân được vui xuân, đón Tết an toàn, Công an tỉnh đã tổ chức triển khai thực nghiêm túc Kế hoạch mở cao điểm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, trật tự xã hội trên các tuyến giao thông thuộc địa bàn tỉnh trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và các Lễ hội đầu xuân 2024, huy động tối đa lực lượng, phương tiện, thiết bị kỹ thuật tập trung tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm vi phạm về nồng độ cồn, tốc độ; đua xe, cổ vũ đua xe trái phép và các hành vi vi phạm khác về trật tự, an toàn giao thông.
     Để có một cái Tết vui tươi, lành mạnh, an toàn, khuyến nghị người dân tuyệt đối chấp hành nghiêm pháp luật nhất là Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia, trong đó đặc biệt chú ý các hành vi bị nghiêm cấm như xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia; uống rượu, bia khi chưa đủ 18 tuổi; điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Hãy vì bản thân, gia đình, cộng đồng và toàn xã hội mà sử dụng rượu, bia đúng cách, có chừng mực để ngày Tết được trọn vẹn, bình yên./.

MỘT SỐ QUY ĐỊNH VỀ XỬ PHẠT HÀNH CHÍNH
LIÊN QUAN ĐẾN RƯỢU, BIA

1. Tại Nghị định số 100/2019/NĐ-CP, ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt:
* Đối với người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô có một trong các hành vi:
- Điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở
+ Mức phạt:  Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng
+ Hình thức phạt bổ sung:  Bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 10 tháng đến 12 tháng
+ Căn cứ: Điểm c khoản 6 Điều 5
- Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở
+ Mức phạt: Phạt tiền từ 16.000.000 đồng đến 18.000.000 đồng
+ Hình thức phạt bổ sung: Bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 16 tháng đến 18 tháng
+ Căn cứ: Điểm c khoản 8 Điều 5
- Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở; không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ
+ Mức phạt: Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng
+ Hình thức phạt bổ sung: Bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng
+ Căn cứ: Điểm a, b khoản 10 Điều 5

* Đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy có một trong các hành vi:

- Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở
+ Mức phạt: Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng
+ Hình thức phạt bổ sung: Bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 10 tháng đến 12 tháng
+ Căn cứ: Điểm c khoản 6 Điều 6
- Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở
+ Mức phạt: Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng
+ Hình thức phạt bổ sung: Bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 16 tháng đến 18 tháng
+ Căn cứ: Điểm c khoản 7 Điều 6
- Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở; không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ
+ Mức phạt: Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng
+ Hình thức phạt bổ sung: Bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng
+ Căn cứ: Điểm e, g khoản 8 Điều 6

* Đối với người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng (sau đây gọi chung là xe) có một trong các hành vi:

- Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở
+ Mức phạt: Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng
+ Hình thức phạt bổ sung: Bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe (khi điều khiển máy kéo), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) từ 10 tháng đến 12 tháng
+ Căn cứ: Điểm c khoản 6 Điều 7
- Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở
+ Mức phạt: Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng
+ Hình thức phạt bổ sung: Bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe (khi điều khiển máy kéo), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) từ 16 tháng đến 18 tháng
+ Căn cứ: Điểm b khoản 7 Điều 7
- Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở; không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ
+ Mức phạt: Phạt tiền từ 16.000.000 đồng đến 18.000.000 đồng
+ Hình thức phạt bổ sung: Bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe (khi điều khiển máy kéo), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) từ 22 tháng đến 24 tháng
+ Căn cứ: Điểm a, b khoản 9 Điều 7
* Đối với người điều khiển xe đạp, xe đạp máy (kể cả xe đạp điện), người điều khiển xe thô sơ khác có một trong các hành vi:
- Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở.
+ Mức xử phạt: Phạt tiền từ 80.000 đồng đến 100.000 đồng.
+ Căn cứ: Điểm q khoản 1 Điều 8
- Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở.  
+ Mức xử phạt: Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng.
+ Căn cứ: Điểm e khoản 3 Điều 8
- Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở; Không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ.  
+ Mức xử phạt: Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng.
+ Căn cứ: Điểm c, d khoản 4 Điều 8

2. Tại Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế (Điều 30)

- Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với người từ đủ 16 tuổi nhưng chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia.
- Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
+ Uống rượu, bia tại địa điểm không uống rượu, bia theo quy định của pháp luật;
+ Xúi giục, kích động, lôi kéo người khác uống rượu bia.
- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
+ Uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập;
+ Ép buộc người khác uống rượu bia.

 

Tác giả bài viết: Đồng Anh Tài, Phòng Tham mưu

Tổng số điểm của bài viết là: 7 trong 7 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 7 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Đường dây nóng
Lịch tiếp công dân
Cổng thông tin BCA
Văn bản pháp luật
Dịch vụ công trực tuyến
Hộp thư góp ý
Chuyển đổi số
Bộ Pháp điển
Đối tượng truy nã
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập63
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm61
  • Hôm nay91,383
  • Tháng hiện tại3,329,696
  • Tổng lượt truy cập106,937,573
phieukhaosat
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây