CÔNG AN TỈNH HẬU GIANGhttps://congan.haugiang.gov.vn, congan.haugiang.gov.vn/uploads/logoca.png
Thứ tư - 14/08/2024 21:388560
Ngày 13/6/2005, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 521/QĐ-TTg lấy ngày 19/8 hằng năm là “Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Đây là văn bản quan trọng, khẳng định vị trí, vai trò, ý nghĩa và sự đóng góp to lớn của Nhân dân trong sự nghiệp cách mạng nói chung, bảo vệ Tổ quốc, nói riêng. Thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới.
Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, cha ông ta luôn dựa vào Nhân dân, phát huy trí tuệ, sức mạnh, lòng yêu nước và tinh thần đoàn kết toàn dân để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Kế thừa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, thấm nhuần những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, qua thực tiễn cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn khẳng định: “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”; Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) khẳng định một trong những bài học kinh nghiệm lớn từ thực tiễn cách mạng Việt Nam đó là: “Sự nghiệp cách mạng là của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân”. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Trong bầu trời không gì quý bằng Nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của Nhân dân”, “Khi Nhân dân giúp đỡ ta nhiều thì thành công nhiều, giúp đỡ ta ít thì thành công ít, giúp đỡ ta hoàn toàn thì thắng lợi hoàn toàn”. Nhân dân là người làm nên những thắng lợi lịch sử. Nhất quán quan điểm “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm, đánh giá cao vai trò, sức mạnh to lớn của Nhân dân và các tổ chức chính trị - xã hội, đã đề ra nhiều chủ trương quan trọng, phát động nhiều phong trào thi đua, vận động Nhân dân tham gia bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, lực lượng Công an đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng Quân đội nhân dân, đoàn, hội kháng chiến, tham mưu cho Đảng, Chính phủ chỉ đạo tổ chức vận động Nhân dân thực hiện cuộc vận động với khẩu hiệu “ba không”, nội dung phù hợp với đặc điểm từng vùng, miền chiến lược: ở căn cứ địa Việt Bắc và vùng tự do là “Không nghe, không biết, không thấy”; ở vùng tạm bị chiếm là “Không làm việc cho địch, không bán lương thực cho địch, không chỉ đường cho địch”, ở Nam Bộ phát động nhân dân tham gia phong trào “Ngũ gia liên bảo” để bảo vệ an ninh, trật tự thôn, xóm. Các cuộc vận động trên đã nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng cho Nhân dân, bưng bít tai mắt quân thù và nhanh chóng phát triển ra toàn quốc thành phong trào “phòng gian bảo mật” với các nội dung: bảo vệ bí mật, tài sản của Đảng, Nhà nước, bảo vệ nội bộ, bảo vệ trị an xã hội. Nhân dân đã giúp đỡ lực lượng Công an đấu tranh ngăn chặn kịp thời các hoạt động phá hoại của địch và âm mưu lập “Xứ Nùng”, “Xứ Thái”, “Xứ Mường” tự trị…ở miền núi phía Bắc và lập “Nước Tây kỳ tự trị”, “Nước Nam kỳ tự trị” ở phía Nam, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (ngày 07/5/1954), buộc Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ, lập lại hòa bình ở Đông Dương. Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, miền Bắc hoàn toàn giải phóng, bước vào thời kỳ khôi phục và phát triển kinh tế, miền Nam tiếp tục cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ Nhân dân. Lực lượng Công an đã tham mưu phục vụ Đảng, Chính phủ, Trung ương Cục miền Nam chỉ đạo, tổ chức xây dựng lực lượng nòng cốt bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Ở miền Bắc, Trung ương phát động phong trào “Bảo vệ trị an” trong Nhân dân và mở cuộc vận động “Bảo mật phòng gian” trong các cơ quan, xí nghiệp. Ở miền Nam, Trung ương Cục miền Nam đã chỉ đạo đẩy mạnh phong trào “Bảo mật phòng gian” ở ba vùng chiến lược và thành lập “Hội đồng bảo vệ an ninh xã, ấp”. Phong trào “Bảo vệ trị an”, “Bảo mật phòng gian” phát triển mạnh mẽ, gắn kết với phong trào thi đua lao động sản xuất, xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng ở miền Nam. Nhiều điển hình tiên tiến xuất hiện, như các xã: Yên Phong (Ninh Bình), Hưng Khánh (Yên Bái), Thanh Bình (Lào Cai), Quang Chiểu (Thanh Hóa), Khối 30, Khu Đống Đa (Hà Nội)… Sau ngày giải phóng miền Nam (30/4/1975), Công an nhân dân đã tham mưu cho Đảng, Nhà nước thống nhất các phong trào, cuộc vận động Nhân dân tham gia bảo vệ an ninh, trật tự trong toàn quốc thành phong trào “Quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội tham mưu phục vụ cấp ủy Đảng, chính quyền tổ chức, vận động mọi tầng lớp Nhân dân tham gia. Phong trào đã có bước phát triển sâu rộng với nhiều nội dung, hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, cụ thể của từng vùng, lĩnh vực, địa bàn cụ thể. Phong trào đã phát huy năng lực sáng tạo ở cơ sở, khơi dậy sức mạnh, tiềm lực to lớn của toàn dân trong phòng ngừa, tấn công, trấn áp tội phạm, góp phần xây dựng nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Để tiếp tục phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, nâng cao tinh thần tự giác của Nhân dân trong tham gia phòng ngừa, đấu tranh trấn áp các loại tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, nâng cao “sức đề kháng” trước các luận điệu xuyên tạc, phá hoại của các thế lực thù địch, phản động, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; ngày 13/6/2005, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 521/QĐ-TTg lấy ngày 19/8 là “Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Đây là văn bản để động viên, cổ vũ tinh thần đấu tranh, tố giác tội phạm, tệ nạn xã hội, ý chí quyết tâm của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta trong việc giáo dục truyền thống yêu nước, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, nâng cao ý thức, trách nhiệm của các tầng lớp Nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Việc tổ chức “Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” hàng năm gắn liền với các hoạt động kỷ niệm Ngày truyền thống lực lượng Công an nhân dân, là dịp để sơ kết, tổng kết, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, động viên, khen thưởng và tôn vinh các tập thể, cá nhân điển hình có thành tích xuất sắc tiêu biểu trong phong trào, tạo khí thế thi đua sôi nổi trong cán bộ, đoàn viên, hội viên và Nhân dân, thúc đẩy phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc phát triển sâu rộng, bền vững. “Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” góp phần xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nâng cao nhận thức, củng cố niềm tin của Nhân dân vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở, xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, thủ trưởng các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục, “Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” tiếp tục được đẩy mạnh, có bước phát triển mới, hiệu quả với nhiều nội dung, hình thức phong phú, đa dạng, khơi dậy sức mạnh, tiềm lực to lớn của Nhân dân, góp phần giữ vững ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội tại đơn vị, địa phương. “Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” đã được các cơ quan, đơn vị, địa phương quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thường xuyên hằng năm, hướng về cơ sở, từng bước đi vào cuộc sống; nội dung, hình thức tổ chức phong phú, đa dạng, có sự kết hợp hài hòa giữa phần “Lễ” và phần “Hội”, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia các hoạt động bảo đảm an ninh, trật tự tại địa bàn cơ sở, thúc đẩy phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc phát triển rộng khắp.
Năm 2023, tỉnh Hậu Giang có 96 điểm tổ chức “Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, trong đó có 43 xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục vinh dự được các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh đến dự và chỉ đạo. Song song đó, Công an tỉnh đã phân công các đồng chí trong Ban Giám đốc, lãnh đạo các phòng nghiệp vụ, lãnh đạo Công an các địa phương dự Ngày hội tại cơ quan, địa bàn được phân công phụ trách. Các hoạt động tiến tới “Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” được các đơn vị, địa phương quan tâm thực hiện với hình thức, nội dung phong phú, đa dạng, phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế ở cơ sở. Công an các đơn vị, địa phương đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên tuyên truyền, vận động được 1.112 cuộc với 30.991 lượt người tham dự; phối hợp kẻ, vẽ 250 pano, khẩu hiệu; viết 345 tin, bài tuyên truyền cổ động về Ngày hội, góp phần nâng cao lòng tự hào dân tộc, tinh thần yêu nước, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, học sinh, sinh viên và Nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các đơn vị, địa phương đã tổ chức thăm hỏi tặng quà cho các gia đình chính sách, người có công với cách mạng, các tổ chức quần chúng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, các em học sinh nghèo hiếu học với 1.133 phần quà trị giá 334.700.000 đồng. Phối hợp triển khai có hiệu quả phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Xóa đói, giảm nghèo”; xây dựng củng cố, nâng chất, sơ kết, tổng kết các mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ… Ngày hội đã diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ và các trò chơi dân gian, thi đấu các môn thể thao (bóng chuyền, đẩy gậy, cờ tướng, kéo co…),diễn tập phòng cháy, chữa cháy, trưng bày các khẩu hiệu, pa nô, áp phích cổ động trực quan tại nơi công cộng, khu dân cư, ứng dụng công nghệ thông tin tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia Ngày hội, tổ chức Hội nghị “Công an lắng nghe ý kiến Nhân dân”, Hội thi tìm hiểu về pháp luật và phòng, chống tội phạm, hoạt động về nguồn, tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên và Nhân dân. Nhân dịp này, có 927 tập thể, cá nhân được các cấp chính quyền khen thưởng về thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc năm 2023.
Phát huy những kết quả đạt được của Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc năm 2023; năm 2024, Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh chỉ đạo tổ chức Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc đồng loạt vào ngày 16/8/2024 tại 94 điểm ở 75 xã, phường, thị trấn và 19 điểm trong cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục; trong đó chọn 02 cơ quan, doanh nghiệp và 08 xã, phường, thị trấn làm điểm chỉ đạo của tỉnh. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã phân công 98 đồng chí là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh đến dự và chỉ đạo. Công an tỉnh phân công 48 đồng chí lãnh đạo các đơn vị nghiệp vụ dự các điểm Ngày hội để động viên cơ sở. Các hoạt động tiến tới Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc năm 2024 được tổ chức đa dạng, phong phú; các ban, ngành, đoàn thể đã phối hợp với lực lượng Công an tổ chức được 581 cuộc phát động phong trào gắn với tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật được gần 23.300 lượt người tham dự; tuyên truyền, vận động Nhân dân cung cấp cho cơ quan chức năng 152 nguồn tin có giá trị, phục vụ công tác đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn, giúp lực lượng Công an làm rõ 38 vụ tội phạm, bắt 12 đối tượng, triệt xóa 104 điểm đánh bạc, có 576 đối tượng tham gia. Tổ chức nhân rộng mô hình “4+1”, “3 phòng, 3 tích”, “3 quản, 3 phòng”, “4 phòng, 4 không”; mô hình “01 hướng, 02 quản, 03 nâng”; xây dựng mô hình hỗ trợ người vi phạm pháp luật tái hòa nhập cộng đồng, tổ chức hoạt động từ thiện, đền ơn đáp nghĩa…
Để phát huy thế trận lòng dân, góp phần xây dựng nền an ninh nhân dân vững chắc, đòi hỏicấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể, Mặt trận Tổ quốc các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, xem đây là một biện pháp quan trọng để đảm bảo tình hình an ninh, trật tự ở địa phương. Tiếp tục nâng cao ý thức tự phòng, tự quản, tự bảo vệ, tự hòa giải cho Nhân dân, phát hiện tố giác và đấu tranh với các loại tội phạm, bài trừ các tệ nạn xã hội; phối hợp quản lý, giáo dục, cảm hóa người vi phạm và có nguy cơ vi phạm pháp luật tại cộng đồng dân cư. Phối hợp với lực lượng Công an, chính quyền cơ sở tiếp tục củng cố, duy trì, nâng cao chất lượng hoạt động của các mô hình, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Tuyên truyền, vận động Nhân dân nêu cao tinh thần cảnh giác, kịp thời phát hiện, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch và phần tử chống phá cách mạng Việt Nam. Các đơn vị, địa phương, cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục vừa thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, vừa quan tâm, động viên, nhắc nhở, hướng dẫn cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, học sinh, sinh viên và Nhân dân tích cực tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc bằng những việc làm thiết thực, có ý nghĩa, góp phần xây dựng vững chắc nền an ninh nhân dân và thế trận quốc phòng toàn dân./.
Tác giả bài viết: Hồ Phi Thế, Phòng Tham mưu Công an tỉnh