Lực lượng Công an nhân dân thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ chiến dịch Điện Biên Phủ

Thứ sáu - 03/05/2024 20:40 1.045 0
Chiến thắng Điện Biên Phủ là chiến thắng có ý nghĩa trọng đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam ở thế kỷ thứ XX. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Điện Biên Phủ như một cái mốc chói lọi bằng vàng của lịch sử. Nó ghi rõ nơi chủ nghĩa thực dân lăn xuống dốc và tan rã, đồng thời phong trào giải phóng dân tộc khắp thế giới đang lên cao đến thắng lợi hoàn toàn”1.
          Nhân dịp Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 07/5/2024), Tổ Biên tập Trang thông tin điện tử Công an tỉnh trích lược bài viết “Lực lượng Công an nhân dân thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ chiến dịch Điện Biên Phủ” của đồng chí Trung tướng, Tiến sỹ Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; bài viết đã phân tích, đánh giá những kết quả quan trọng của lực lượng Công an trong bảo vệ chiến dịch và những bài học kinh nghiệm có ý nghĩa lịch sử sâu sắc đối với lực lượng Công an nhân dân qua các thời kỳ để các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân nói chung và cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Hậu Giang nói riêng luôn tự hào, tiếp tục duy trì và phát huy truyền thống anh hùng cách mạng của lực lượng Công an nhân dân trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
          Một, bảo vệ tuyệt đối an toàn Trung ương Đảng, Chính phủ, cơ quan đầu não kháng chiến và Bộ Chỉ huy chiến dịch: lực lượng Công an đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng bảo vệ quân đội tiến hành đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, phát động phong trào “phòng gian bảo mật” trong Nhân dân và các cơ quan, đơn vị. Lực lượng Công an xã, huyện được củng cố, các tổ chức quần chúng nhân dân đẩy mạnh tham gia giám sát, phát hiện người lạ mặt, những hoạt động nghi vấn; kịp thời phát hiện gián điệp, chỉ điểm trà trộn, thâm nhập vào các cơ quan đầu não kháng chiến để điều tra phá hoại. Lực lượng Công an nhân dân còn thiết lập trạm gác, thành lập các đội tuần tra, canh gác và tổ chức nhiều tuyến canh phòng nghiêm ngặt cả vòng trong, lẫn vòng ngoài khu vực đóng quân của Bộ Chỉ huy chiến dịch. Ở các tuyến đường, nhất là những đầu mối giao thông, những nơi hiểm trở mà kẻ địch dễ lợi dụng mai phục, ám sát, “Ban Công an tiền phương” phối hợp với lực lượng bảo vệ của Trung ương và Quân đội bố trí lực lượng kiểm soát, bảo vệ chặt chẽ. Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính phủ và các tướng lĩnh đi kiểm tra chiến trường, chỉ đạo chiến dịch được lực lượng Công an phối hợp với lực lượng bảo vệ trung ương và Quân đội tổ chức bảo vệ trên suốt tuyến đường. Kết quả các chuyến đi công tác của các đồng chí lãnh đạo đã được bảo đảm tuyệt đối an toàn; an ninh, trật tự khu vực các cơ quan Đảng, Chính phủ, Bộ Chỉ huy chiến dịch đứng chân cũng được giữ vững trong suốt quá trình diễn ra chiến dịch. Đáng chú ý, tháng 3/1954, sau khi Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ, lực lượng Công an đã bảo vệ an toàn đồng chí Lê Duẩn, Bí thư Xứ ủy Nam bộ vào miền Nam trực tiếp lãnh đạo cách mạng.
          Hai, bảo vệ tuyệt đối an toàn lực lượng dân công, nơi đóng quân, hành quân của Bộ đội, kho tàng và các tuyến đường huyết mạch từ hậu phương ra tiền tuyến: đội ngũ dân công phục vụ chiến dịch là lực lượng được huy động sớm từ nhiều địa phương, số lượng đông (có lúc lên đến 26 vạn người)3, được chia làm từng đợt nhưng chưa qua rèn luyện kỷ luật chiến trường nên công tác bảo vệ gặp nhiều khó khăn, phức tạp. Bởi vậy, ngay từ đầu, “Ban Công an tiền phương” đã tham gia công tác thuần khiết nội bộ, nắm tình hình đội ngũ và phân loại dân công theo những tiêu chuẩn quy định chung để bố trí công việc thích hợp. “Ban Công an tiền phương” còn đề nghị Hội đồng cung cấp Mặt trận Trung ương phiên chế dân công thành những đơn vị đại đội, trung đội, tiểu đội và lựa chọn những đảng viên, đoàn viên và những người tích cực làm hạt nhân lãnh đạo. Từng đơn vị tổ chức ra các ban bảo vệ dân công và phát động phong trào “Phòng gian bảo mật”, “Ba không”, phổ biến cách giữ bí mật, phòng, chống do thám, điều tra của địch; quy định việc đi lại, tiếp xúc, giao dịch.
          Trên các đường giao thông huyết mạch lên Điện Biên Phủ, lực lượng Công an đặt đồn, trạm kiểm soát người và phương tiện qua lại, tổ chức các đội tuần tra vũ trang kiểm soát trên đường. Tại các tuyến đường chính có phương tiện ô tô vận tải, các trạm gác còn nhiệm vụ cảnh giới máy bay địch, đồng thời kiểm soát hành chính để phát hiện kẻ gian, người lạ mặt; quản lý chặt chẽ những người làm nghề tự do, quán nước, nhà trọ nằm hai bên đường giao thông; tham gia ngụy trang bảo vệ cầu phà và đường dây thông tin liên lạc. Thực hiện công tác bảo vệ kho tàng, trạm trung chuyển, cán bộ, chiến sĩ Công an đã phối hợp với bộ phận quân nhu, hậu cần quân đội tổ chức kiểm tra thuần khiết nội bộ, lựa chọn những người có lý lịch tốt, trong sạch và đạo đức liêm khiết để làm công tác quản lý, bảo vệ. Các đồn, trạm Công an phối hợp với bộ đội, dân quân du kích thiết lập vành đai, thường xuyên tuần tra, canh gác xung quanh khu vực kho, kịp thời phát hiện những đối tượng phá hoại, phòng và chống cháy, nổ.
          Ba, triệt phá âm mưu, hoạt động của tình báo, gián điệp, diệt tề, trừ gian, tiễu phỉ, bảo vệ vững chắc hậu phương, khu vực mới giải phóng: để bảo đảm an ninh, trật tự ở hậu phương và khu vực mới giải phóng, “Ban Công an tiền phương” chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ với Công an các địa phương và Công an khu Tây Bắc tiến hành các biện pháp nghiệp vụ nhằm làm trong sạch địa bàn. Tích cực vận động Nhân dân tham gia phòng ngừa, phát hiện kẻ gian, giữ bí mật, giúp đỡ bộ đội và tổ chức tuần tra, canh gác suốt ngày đêm trong các khu vực được phân công để bảo vệ tuyệt đối an toàn cho các lực lượng tham gia chiến dịch. Lực lượng Công an đã phát hiện, khám phá nhiều vụ án quan trọng, kịp thời ngăn chặn hoạt động do thám, phá hoại của địch, điển hình là các vụ bắt toán 04 tên gián điệp biệt kích nhảy dù xuống khu vực Mường Ó, Thuận Châu và 06 tên gián điệp biệt kích nhảy dù xuống Bản Nhạn (Sơn La) để điều tra phát hiện các cuộc hành quân của bộ đội và phá hoại lực lượng vận chuyển của ta trên đèo Pha Đin đến phà Tạ Khoa; Công an Tây Bắc đã chỉ đạo, điều tra, khám phá nhiều vụ gián điệp nguy hiểm do Phòng Nhì quân đội Pháp tung ra điều tra hoạt động của ta ở khu vực Điện Biên; Công an khu III khám phá, bắt mạng lưới gồm 16 gián điệp do Phòng Nhì Pháp điều khiển hoạt động chỉ điểm cho máy bay địch đánh phá các kho tàng, cầu cống, những nơi xung yếu trên các tuyến đường giao thông trọng điểm từ Thanh Hóa, Nam Định, Ninh Bình, Hà Nam, Hòa Bình lên Điện Biên Phủ. Giữa năm 1953, lực lượng Công an xác lập được chuyên án đấu tranh với toán gián điệp biệt kích gồm 03 phụ nữ hoạt động ở khu vực Vĩnh Yên, Thái Nguyên để điều tra các hoạt động quân sự của ta. Với chuyên án này, lần đầu tiên lực lượng Công an mở ra phương thức “dùng người của địch để đánh địch, dùng phương tiện của địch để đánh địch”.
          Những năm 1951 - 1952, lực lượng Công an đã chú trọng tiến hành các biện pháp nghiệp vụ để điều tra, nắm tình hình công tác tổ chức, lực lượng, địa điểm, trung tâm phỉ, mạng lưới cơ sở, xây dựng phong trào quần chúng vững chắc. Đồng thời phối hợp với quân đội và các ngành, các lực lượng xây dựng kế hoạch tấn công những hang ổ phỉ với hai hình thức đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang để tiêu diệt và làm tan rã các hoạt động gây phỉ ở Khu vực Tây Bắc. Tháng 11/1953, Khu ủy Tây Bắc thành lập “Ban Thống nhất chống phỉ” do đồng chí Trần Quyết, Phó Bí thư Khu ủy kiêm Giám đốc Công an khu Tây Bắc làm Trưởng ban, với lực lượng tham gia chủ yếu là Bộ đội và Công an. Từ tháng 3/1953 đến cuối tháng 4/1954, với phương châm “lấy vận động chính trị làm chính, kết hợp với tiến công quân sự” lực lượng Công an đã phối hợp làm tan rã các cụm phỉ ở Tây Bắc: Cao Bằng hơn 1.000 phỉ, Hà Giang, Lào Cai hơn 3.000 phỉ, Lai Châu, Sơn La hơn 4.000 phỉ4. Đồng thời với đấu tranh trấn áp, lực lượng Công an còn mở 14 lớp học tập cải tạo cho hàng nghìn người theo phỉ trở về với bản làng. Kết quả công tác truy quét phỉ ở các tỉnh vùng núi phía Bắc và Tây Bắc không những trực tiếp bảo vệ hậu phương vững mạnh để đáp ứng yêu cầu của chiến dịch mà còn làm phá sản âm mưu “đánh sau lưng” lực lượng kháng chiến của Kế hoạch Nava.
          Sau 56 ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/ Máu trộn bùn non/ Gan không núng/ Chí không mòn”, với ý chí quyết thắng, tinh thần chiến đấu dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, chiến dịch Điện Biên Phủ đã thắng lợi hoàn toàn. Đây là chiến công hiển hách trong lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc Việt Nam, gắn liền với sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Cùng với Quân đội nhân dân, Công an nhân dân đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ Đảng và chính quyền cách mạng, trấn áp các thế lực phản cách mạng, diệt tề, trừ gian, bảo vệ Nhân dân. Công tác bảo vệ chiến dịch Điện Biên Phủ của lực lượng Công an nhân dân đã để lại những kinh nghiệm có ý nghĩa lịch sử sâu sắc:
          Một là, phải quán triệt, vận dụng nghiêm túc phương châm chỉ đạo chiến lược đúng đắn, sáng tạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; tập trung, thống nhất lãnh đạo, chỉ đạo toàn lực lượng Công an xây dựng niềm tin sắt đá, sức mạnh đoàn kết, thống nhất, ý chí quyết chiến, quyết thắng vì mục tiêu độc lập, tự do, dân chủ, ấm no, hạnh phúc của Nhân dân. Nhiệm vụ bảo vệ chiến dịch Điện Biên Phủ thực chất là một quá trình đấu tranh cách mạng của lực lượng Công an nhân dân gắn liền với bước phát triển của cuộc kháng chiến. Sự phát triển về đường lối lãnh đạo chiến dịch Điện Biên Phủ của Trung ương Đảng cũng đồng thời trực tiếp chi phối và định hướng đối với trận tuyến đấu tranh của lực lượng Công an nhân dân.
          Hai là, trong bất kể điều kiện nào, ở địa bàn và tính chất công tác nào, dù trong vùng địch chiếm, vùng du kích hay hậu phương của ta, lực lượng Công an nhân dân luôn coi trọng công tác vận động quần chúng và sử dụng biện pháp quần chúng trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự. Lấy công tác vận động quần chúng, dựa vào các tổ chức quần chúng, lực lượng quần chúng tham gia chiến dịch làm cơ sở, nền tảng để triển khai các biện pháp công tác khác và các mặt công tác Công an một cách hiệu quả, nhất là công tác phòng gian, bảo mật, phòng chống địch do thám, huy động lực lượng tham gia các mặt công tác bảo vệ trật tự, trị an trên các tuyến đường vận tải ra mặt trận.
          Ba là, trong mọi thời kỳ cách mạng, trong mọi tình huống đấu tranh, việc lực lượng Công an nhân dân nhận thức đầy đủ, đúng đắn tầm quan trọng nhiệm vụ được Đảng, Chính phủ giao phó có ý nghĩa quyết định mọi thắng lợi. Trong điều kiện chiến tranh ác liệt, Công an nhân dân đã bám sát nhiệm vụ chính trị, quân sự của Đảng để tổ chức công tác bảo vệ chiến dịch với các hoạt động cụ thể, thiết thực của từng lực lượng tham gia chiến dịch, với các phong trào quần chúng ở địa phương, nhất là phong trào “phòng gian, bảo mật”, phong trào “ba không”… trong các vùng căn cứ hậu phương và cả vùng du kích của ta.
          Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp là thắng lợi của đường lối chiến tranh nhân dân và nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh sáng tạo, độc đáo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; thắng lợi có ý nghĩa quyết chiến, quyết thắng của lực lượng vũ trang nhân dân. Trong chiến thắng của toàn dân tộc, lực lượng Công an nhân dân đã có những đóng góp hết sức to lớn, có ý nghĩa quan trọng và trưởng thành nhanh chóng, trở thành một trong những lực lượng nòng cốt của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam. Phát huy truyền thống anh hùng, mưu trí, dũng cảm thời kỳ đấu tranh chống thực dân Pháp, lực lượng Công an nhân dân hôm nay nguyện tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng, nêu cao tinh thần đoàn kết, thường xuyên rèn luyện đạo đức cách mạng, hun đúc bản lĩnh chính trị vững vàng, trung thành tuyệt đối với Đảng, với Tổ quốc và Nhân dân, viết tiếp “Bản anh hùng ca Điện Biên Phủ” trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.
            [1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 14, Nxb. Chính trị quốc gia Hà Nội, 2011, tr.315.
            [2] Bộ Công an, Văn kiện Đảng, tập II (11/1946 -02/1954, Ban Nghiên cứu Tổng kết xuất bản, tr.316, 317.
            [3] Cục Khoa học, Chiến lược và Lịch sử Công an, lịch sử Công an nhân dân Việt Nam, tập I (1945-1954), Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội 2022, tr.603.
            [4]Bộ Công an, Tổng cục Xây dựng lực lượng Công an nhân dân, Vai trò và những đóng góp của lực lượng Công an nhân dân trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội 2014, tr.289.

Tác giả bài viết: Trần Thiện Trường, Phòng Tham mưu (Tổ Biên tập) (Trích lược bài viết của đồng chí Trung tướng, Tiến sỹ Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an)

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Đường dây nóng
Lịch tiếp công dân
Cổng thông tin BCA
Văn bản pháp luật
Dịch vụ công trực tuyến
Hộp thư góp ý
Chuyển đổi số
Bộ Pháp điển
Đối tượng truy nã
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập112
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm110
  • Hôm nay116,415
  • Tháng hiện tại1,946,768
  • Tổng lượt truy cập109,524,617
phieukhaosat
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây