CÔNG AN TỈNH HẬU GIANGhttps://congan.haugiang.gov.vn, congan.haugiang.gov.vn/uploads/logoca.png
Thứ năm - 05/09/2024 23:218060
Sau khi Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù có hiệu lực từ ngày 10 tháng 10 năm 2023, Hậu Giang đã nhanh chóng triển khai, cụ thể hóa bằng những việc làm thiết thực. Đến cuối tháng 6 năm 2024, toàn tỉnh đã phát vay cho 263 người trong diện thụ hưởng với tổng số tiền hơn 11 tỷ 500 triệu đồng. Qua đó đã cung cấp nguồn vốn nhằm tạo công ăn, việc làm, sinh kế cho những người đã không may lầm lỡ, làm lại cuộc đời. Ngoài ra, với vai trò trách nhiệm của mình, bên cạnh phối hợp thực hiện Quyết định số 22, Công an tỉnh Hậu Giang cũng tiếp tục duy trì, xây dựng nhiều mô hình, cách làm hay về tái hòa nhập cộng đồng, hỗ trợ những người hoàn lương để không bị bỏ lại phía sau.
Từ ngày con trai trở về địa phương, thấu hiểu những mặc cảm, tự ti con đang trải qua, ông Võ Thành Thu, ấp Đông Lợi B, xã Đông Phước, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang luôn ở cạnh bên để động viên, chia sẻ. Niềm vui của người cha chỉ thật sự hiện hữu khi con trai gạt bỏ được quá khứ mà chí thú làm ăn. Hồi đầu, ông Thu để con phụ chăm sóc vườn tược. Sau, có thông tin về nguồn vốn ưu đãi theo Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ, ông cùng con bàn bạc phương án làm ăn, rồi mạnh dạn viết đơn xin vay vốn. Ông Võ Thành Thu phấn khởi chia sẻ,nó rất có ý nghĩa là quan tâm đến những người ở trong trại về, nhiều khi gia đình không có đủ vốn thì Nhà nước có chủ trương này tôi bổn phận là cha mẹ tôi rất hoan nghênh. Hiện giờ đã có nguồn vốn thì mình cải tạo đất, mua cây giống mới trồng hiệu quả nó cao hơn. Từ nguồn vốn vay, ông Thu hỗ trợ con lên líp trồng sầu riêng, đu đủ để lấy ngắn nuôi dài. Những ngày lao động, nhìn con phấn khởi, ông cũng vui lây. Với ông, hạnh phúc hiện tại gia đình có được là hành trình luôn có sự đồng hành của chính quyền, công an địa phương và Ngân hàng chính sách xã hội. Từ những lời động viên, hỗ trợ pháp lý đến hướng dẫn kỹ thuật canh tác, tất cả đều là trợ lực giúp con ông mở lại cánh cửa tương lai. Ông Trần Văn Phục, Trưởng ấp Đông Lợi B, xã Đông Phước, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang cho biết thêm, những đối tượng tiếp cận vốn về xài rất đúng mục đích để ổn định kinh tế gia đình. Những người sau chấp hành án nếu mà về tái hòa nhập cộng đồng mà có chí hướng làm ăn cũng thì không có khó gì, vốn liếng thiếu hụt đã có ngân hàng hỗ trợ, giúp cho vay, còn những kỹ thuật nào không biết thì có tổ kỹ thuật của xã hỗ trợ, nói chung là mọi chính sách ở trên thí dụ như phòng nông nghiệp có hỗ trợ mô tưa tưới nước hoặc chuyển giao khoa học kỹ thuật cũng mời các đối tượng, các anh này để hướng dẫn trong những lớp nghề này kia để họ biết cách chăm sóc vườn cây ăn trái rồi hỗ trợ hệ thống tước họ tưới được giúp tiết kiệm một số chi phí cho gia đình.
Hành trình tái hòa nhập cộng đồng và làm lại cuộc đời mới của những người lầm lỡ giờ không còn đơn độc nhờ có sự đồng hành, tiếp sức của chính sách tín dụng mang tính nhân văn của Chính phủ. Không chỉ đóng vai trò quan trọng trong quá trình thực hiện Quyết định 22, Công an Hậu Giang cũng duy trì, triển khai hàng chục mô hình, cách làm hay trong công tác tái hòa nhập cộng đồng đạt được hiệu quả nhất định. Bà Nguyễn Thị Mỹ Lệ sau khi chấp hành án trở về đã tiếp tục công việc buôn bán. Mong muốn có thêm số vốn làm ăn, bà liên hệ với Công an, chính quyền địa phương cùng Ngân hàng chính sách xã hội để được hướng dẫn vay vốn theo Quyết định 22. Do không đủ điều kiện hoàn thành hồ sơ vay, bà Lệ đã được đề xuất đưa vào mô hình “Đồng hành cùng khát vọng vươn lên” do Ban Phụ nữ Công an Hậu Giang triển khai tại thành phố Vị Thanh. Qua đó, bà Lệ được hướng dẫn một số thủ tục pháp lý, hỗ trợ số tiền 10 triệu đồng vận động từ các mạnh thường quân. Người phụ nữ sau nhiều vất vả lo toan giờ an tâm phần nào về cuộc sống mưu sinh trước mắt. Vừa làm xong gần chục con gà thịt để giao cho khách, bà Nguyễn Thị Mỹ Lệ, tiểu thương tại chợ phường 3, thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang vui vẻ cho biết, mình không đủ điều kiện vay ngân hàng, may mắn nhờ bên phụ nữ Công an tỉnh và mạnh thường quân giúp đỡ cho vay được 10 triệu không tính lãi, mừng lắm nhờ tiền đó mà lấy thêm gà vịt bán cũng kha khá, cũng đỡ, có thu nhập thêm. Thiếu tá Nguyễn Thị Mỹ Trang, Trưởng Ban phụ nữ Công an tỉnh Hậu Giang thông tin, mong muốn với số tiền nho nhỏ này chị em mở rộng buôn bán cũng như sản xuất kinh doanh có thêm thu nhập để ổn định cuộc sống gia đình mình và thực hiện tốt hơn chủ trương của Đảng, Nhà nước. Bên cạnh đó Ban phụ nữ Công an tỉnh phối hợp với phụ nữ các xã, phường thường xuyên gặp gỡ động viên tinh thần các chị em để các chị em có tinh thần tốt chí thú làm ăn, phát triển kinh tế
Đồng thời với việc ra mắt mô hình “Đồng hành cùng khát vọng vươn lên” của Ban Phụ nữ, Ban Thanh niên Công an tỉnh Hậu Giang cũng triển khai mô hình “Thắp sáng niềm tin, phát triển kinh tế” trên địa bàn thị xã Long Mỹ. Với tinh thần “không để ai bỏ lại phía sau” mô hình đặt ra mục tiêu đồng hành, hỗ trợ thanh niên có quá khứ lầm lỡ về địa phương tái hòa nhập cộng đồng. Khởi đầu cho sự chung tay này là những phần quà, những suất học nghề lái xe đã được trao tặng. Sau đó các thành viên sẽ thường xuyên gặp gỡ, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của họ từ đó có biện pháp hỗ trợ trong việc vay vốn, đào tạo nghề, hướng dẫn việc làm, phát triển kinh tế. Thống kê toàn tỉnh, hiện đã có tổng cộng 17 mô hình hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng do Công an Hậu Giang triển khai. Sự sẻ chia, động viên kịp thời này đã giúp các đối tượng dễ dàng tiếp cận những chính sách nhân văn của Đảng, Nhà nước và được tiếp thêm động lực để làm lại cuộc đời. Ông Nguyễn Minh Vương, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hậu Giang đánh giá, theo tôi thì các mô hình rất là ý nghĩa, qua đó có những đối tượng không đủ điều kiện tiếp cận nguồn vốn có một nguồn vốn để làm động lực phát triển kinh tế gia đình, tới đây Ngân hàng chính sách xã hội phối hợp với Công an tỉnh đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh có cơ chế đặc thù hơn theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ để làm sao tất cả các đối tượng tái hóa nhập cộng đồng và có đủ điều kiện, và chí thú làm ăn được tiếp cận nguồn vốn chính sách để họ phát triển kinh tế gia đình. Đại tá Phan Văn Giữ, Phó Giám đốc Công an tỉnh Hậu Giang cho biết, Ban Giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương thường xuyên quan tâm, giúp đỡ những ngươì sau chấp hành án để họ có cuộc sống ổn định, tái hòa nhập cộng đồng, trở thành công dân tốt. Đặc biệt, những trường hợp được hỗ trợ, giúp đỡ từ các mô hình của Công an tỉnh cũng như được vay vốn từ Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ thì rất phấn khởi, tin tưởng vào chính sách nhân đạo của Đảng, Nhà nước, tin tưởng vào lực lượng Công an và địa phương, có ý chí vươn lên, nhiều trường hợp có cuộc sống khá giả, tham gia tích cực vào các phong trào ở địa phương, đến nay chưa ghi nhận trường hợp tái phạm. Thống kê của Công an Hậu Giang, hiện toàn tỉnh có trên 980 người lầm lỗi được tiếp nhận, quản lý, giáo dục và giúp đỡ. Hành trình tái hòa nhập cộng đồng và làm lại cuộc đời của họ không còn đơn độc khi có sự đồng hành, tiếp sức của chính sách tín dụng mang tính nhân văn của Chính phủ. Song hành với đó là sự trợ giúp về tinh thần và vật chất thông qua các mô hình tái hòa nhập cộng đồng đã được xây dựng, nhân rộng trên toàn tỉnh với phương châm "Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Tất cả sự chung tay này sẽ giúp người từng lầm lỡ an tâm ổn định cuộc sống, hạn chế tái phạm tội.
Tác giả bài viết: Thế Phong, Phòng Công tác Đảng và Công tác chính trị