GIÚP NGƯỜI HOÀN LƯƠNG TÁI HÒA NHẬP CỘNG ĐỒNG ĐIỂM TỰA VỮNG CHẮC TỪ QUYẾT ĐỊNH 22

Thứ ba - 27/08/2024 22:13 763 0
            Như bao người bình thường khác, những người hoàn lương cũng có ước mơ về cuộc sống ổn định và một mái ấm bình yên. Và, trên chặng đường bắt đầu lại cuộc sống mới, công tác tái hòa nhập cộng đồng là một chính sách nhân văn, đầy ý nghĩa của Đảng và Nhà nước ta. Trong đó, Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù được kỳ vọng sẽ là “Con đường sáng” cho người hoàn lương.
Ảnh: Công an tỉnh Hậu Giang và Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh ký kết chương trình phối hợp thực hiện Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù
            Sau thời gian chấp hành án, ông Nguyễn Văn Chiến trở về địa phương sống cùng gia đình ở xã Vị Trung, huyện Vị Thủy. Cố gắng để trở thành công dân tốt, ông cùng các con làm dịch vụ cho thuê, sửa chữa các loại máy nông cụ. Những năm gần đây do chuyển đổi ruộng đất, bà con đưa nhiều máy cơ giới vào phục vụ nông nghiệp, nên đây là một định hướng khả quan. Thế nhưng, do thiếu vốn, ông Chiến chỉ làm ở quy mô nhỏ, kiếm được đồng nào hay đồng nấy. Được sự quan tâm, động viên của chính quyền, công an địa phương, ngay khi Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực, ông là một trong những người đầu tiên trên địa bàn huyện Vị Thủy được tiếp cận vốn vay. Vui mừng đón nhận số tiền gần 100 triệu đồng từ Ngân hàng hính sách xã hội, ông Chiến đầy ắp niềm tin trên hành trình làm lại cuộc đời. Chỉ tay về vườn mít hơn 100 gốc và chiếc máy cắt lúa, Ông Nguyễn Văn Chiến phấn khởi chia sẻ, tôi về địa phương nhờ chính quyền với công an xã cũng hỏi thăm, động viên về làm ăn muốn cái gì Nhà nước hỗ trợ cho làm ăn, tiền vay về trồng mít, trồng rau rồi làm máy cắt, vườn tược đồ đủ thứ, bơm nước bơm nôi đồ luôn, đỡ lắm bởi vì mới về chưa có tiền bạc gì hết nhờ chính quyền người ta giúp đỡ hỗ trợ cũng mừng lắm, thu nhập hằng ngày cũng sống được, cũng ổn rồi
Ảnh: Ông Nguyễn Văn Chiến được vay vốn theo Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ
            Nói về việc giúp đỡ những người sau chấp hành án, Đại úy Phùng Thanh Phú, Phó trưởng Công an xã Vị Trung, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang cho biết, Công an xã thường xuyên đến thăm hỏi, chia sẻ tâm tư nguyện vọng với những trường hợp này để có điều kiện giúp đỡ để họ không có tự ti, mặc cảm tái hòa nhập cộng đồng, chăm chỉ làm ăn lo cho cuộc sống. Rà soát, hướng dẫn các trường hợp tiếp cận nguồn vốn vay cũng như sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, hiệu quả nhất
            Ngày trở về, với Anh Nguyễn Văn Trắng ngụ xã Vĩnh Trung, huyện Vị Thủy chỉ có mục tiêu lớn nhất là cố gắng làm lụng để chăm lo cho gia đình. Từng trải qua thời gian giam mình trong bốn bức tường vì mặc cảm, đến khi vực dậy tinh thần, Trắng lại đối mặt với rào cản không có vốn làm ăn. Ngay khi nhận thông tin về chính sách cho vay ưu đãi, gia đình đã bảo lãnh để anh có được số tiền đầu tư vào sản xuất, làm lại cuộc đời. Hành trình hoàn lương của người thanh niên từng có tuổi trẻ bồng bột giờ là hành trình của yêu thương, sự sẻ chia và nỗ lực không ngừng. Thay nước cho hồ nuôi lươn từ nguồn vốn vay, anh Trắng cho biết, lúc mới về tôi đi theo máy cắt, được hết một năm rồi về đi làm hồ, nghĩ hồ sơ mình đâu có được vay vốn, rồi sau này mấy chú Công an cũng động viên, hướng dẫn vay vốn để làm ăn. Hiện tôi nuôi được hơn năm ngàn con lươn thịt và vài chục con gà cũng sắp đến ngày thu hoạch.
            Theo thống kê của Công an Hậu Giang, hiện toàn tỉnh có trên 980 người lầm lỗi được tiếp nhận, quản lý, giáo dục và giúp đỡ. Trong số đó vẫn còn những trường hợp phải chật vật tìm kế sinh nhai. Đây chính là nhóm đối tượng yếu thế cần có biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ để họ nâng cao khả năng thích ứng khi tái hòa nhập cộng đồng. Do đó, việc ban hành Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù được xem là cánh cửa mở ra chương mới cho những người từng lầm đường lạc lối. Quyết định này quy định mức vốn cho vay để đào tạo nghề tối đa là 4 triệu đồng/người/tháng. Đối với vay vốn để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, mức vốn cho vay tối đa là 100 triệu đồng/người. Với cơ sở sản xuất kinh doanh, mức vốn cho vay tối đa là 2 tỷ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng/người lao động tại cơ sở sản xuất kinh doanh. Đây là cơ chế rất cụ thể tạo điều kiện cho người hoàn lương được tiếp cận, vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội để học nghề, sản xuất kinh doanh, tạo lập cuộc sống. Đồng thời cũng khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh tạo việc làm, sử dụng lao động là người đã từng lầm lỡ. 
            Với phương châm "không để ai bị bỏ lại phía sau”, Công an tỉnh Hậu Giang đã ký kết chương trình phối hợp thực hiện Quyết định số 22 với Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh. Qua đó đã chỉ đạo Công an cấp huyện, xã triển khai việc tiến hành rà soát, xác định danh sách người chấp hành xong án phạt tù có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn chuyển Ngân hàng làm căn cứ cho vay theo đúng quy định. Thống kê đến cuối tháng 6/2024, toàn tỉnh đã phát vay cho 263 người trong diện thụ hưởng theo Quyết định số 22 với tổng số tiền 11 tỷ 570 triệu đồng.
            Ông Nguyễn Minh Vương, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hậu Giang cho biết, qua việc ký kết này có thể nhận thấy các đối tượng thụ hưởng sẽ được rà soát, bổ sung để cho vay kịp thời, nhìn thấy các đối tượng tiếp cận một cách rất thuận lợi qua đó cũng góp phần cải thiện cuộc sống gia đình, đặc biệt là cái việc họ tái hòa nhập cộng đồng được Đảng, Nhà nước, Chính phủ, chính quyền các cấp quan tâm, chăm lo cho họ, coi đây là động lực, là một chính sách rất là nhân văn.
            Thượng tá Đinh Văn Vệ, Phó trưởng Phòng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, Công an tỉnh Hậu Giang thông tin thêm, Công an tỉnh chỉ đạo quyết liệt các phòng nghiệp vụ phối hợp với Ngân hàng chính sách để cho người tiếp cận Quyết định số 22 phải sử dụng đồng vốn hiệu quả đem lại nguồn thu nhập chính đáng cho những đối tượng này, góp phần đảm bảo cho đối tượng hoàn lương tiến bộ ổn định an ninh trật tự ở cơ sở
            Không chỉ phối hợp, tạo điều kiện cho người lầm lỡ có cơ hội được vay vốn phát triển kinh tế, chính quyền địa phương, lực lượng công an các cấp còn thường xuyên đến thăm, động viên, khích lệ họ nỗ lực vươn lên làm lại cuộc đời, chấp hành tốt chính sách pháp luật và định hướng nghề nghiệp phù hợp. Mỗi người lầm lỡ đều khao khát được trao cơ hội để phấn đấu làm lại cuộc đời. Chung tay giúp đỡ họ hòa nhập cộng đồng, không chỉ là trách nhiệm của xã hội mà còn là cách để lan tỏa những giá trị nhân văn cao đẹp./.
 

Tác giả bài viết: Thế Phong, Phòng công tác đảng, công tác chính trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Đường dây nóng
Lịch tiếp công dân
Cổng thông tin BCA
Văn bản pháp luật
Dịch vụ công trực tuyến
Hộp thư góp ý
Chuyển đổi số
Bộ Pháp điển
Đối tượng truy nã
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập77
  • Máy chủ tìm kiếm4
  • Khách viếng thăm73
  • Hôm nay25,902
  • Tháng hiện tại2,572,644
  • Tổng lượt truy cập112,723,849
phieukhaosat
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây