Thủ tục Giải quyết khiếu nại về Quyết định hành chính, hành vi hành chính của công dân đối với lực lượng Công an nhân dân

Thứ năm - 02/09/2021 21:49 12.351 0
1. Trình tự thực hiện
Bước 1: Tiếp nhận đơn khiếu nại
- Người khiếu nại: là công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức thực hiện quyền khiếu nại (khoản 2, điều 2 Luật Khiếu nại).
- Hình thức khiếu nại: Việc khiếu nại được thực hiện bằng đơn khiếu nại hoặc khiếu nại trực tiếp (điều 8 Luật Khiếu nại).
+ Trường hợp khiếu nại được thực hiện bằng đơn thì trong đơn khiếu nại phải ghi rõ ngày, tháng, năm khiếu nại; tên, địa chỉ của người khiếu nại; tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị khiếu nại; nội dung, lý do khiếu nại; tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại và yêu cầu giải quyết của người khiếu nại. Đơn khiếu nại phải do người khiếu nại ký tên hoặc điểm chỉ.
+ Trường hợp người khiếu nại đến khiếu nại trực tiếp thì người tiếp nhận khiếu nại hướng dẫn người khiếu nại viết đơn khiếu nại hoặc người tiếp nhận khiếu nại ghi lại việc khiếu nại bằng văn bản và yêu cầu người khiếu nại ký hoặc điểm chỉ xác nhận vào văn bản.
- Thời hiệu khiếu nại: (điều 9 Luật Khiếu nại)
+ Thời hiệu khiếu nại là 90 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hành chính hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính.
+ Trường hợp người khiếu nại không thực hiện được quyền khiếu nại theo đúng thời hiệu vì ốm đau, thiên tai, địch họa, đi công tác, học tập ở nơi xa hoặc vì trở ngại khách quan khác thì thời gian có trở ngại đó không tính vào thời hiệu khiếu nại.
- Khiếu nại thuộc một trong các trường hợp sau đây thì không được thụ lý giải quyết (điều 11 Luật Khiếu nại):
+ Quyết định hành chính, hành vi hành chính trong nội bộ cơ quan nhà nước để chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ, công vụ; Quyết định hành chính, hành vi hành chính trong chỉ đạo, điều hành của cơ quan hành chính cấp trên với cơ quan hành chính cấp dưới; quyết định hành chính có chứa đựng các quy phạm pháp luật do cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền ban hành theo trình tự, thủ tục của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Quyết định hành chính, hành vi hành chính thuộc phạm vi bí mật nhà nước trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao theo danh mục do Chính phủ quy định;
+ Quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu nại không liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khiếu nại;
+ Người khiếu nại không có hành vi năng lực dân sự đầy đủ mà không có người đại diện hợp pháp;
+ Người đại diện không hợp pháp thực hiện khiếu nại;
+ Đơn khiếu nại không có chữ ký hoặc điểm chỉ của người khiếu nại;
+ Thời hiệu, thời hạn khiếu nại đã hết mà không có lý do chính đáng;
+ Khiếu nại đã có quyết định giải quyết khiếu nại lần 2;
+ Có văn bản thông báo đình chỉ việc giải quyết khiếu nại mà sau 30 ngày người khiếu nại không tiếp tục khiếu nại;
+ Việc khiếu nại đã được Tòa án thụ lý hoặc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định của Tòa án, trừ quyết định đình chỉ giải quyết vụ án hành chính của Tòa án.
Bước 2: Thụ lý giải quyết khiếu nại (điều 27, điều 36 Luật Khiếu nại)
Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của mình, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại phải thụ lý giải quyết và thông báo bằng văn bản cho người khiếu nại biết; trường hợp không thụ lý giải quyết thì phải nêu rõ lý do.
Bước 3: Xác minh nội dung khiếu nại
- Thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu: điều 28 Luật Khiếu nại
+ Thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu không quá 30 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý.
+ Ở vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn giải quyết khiếu nại không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết có thể kéo dài hơn nhưng không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý.
- Thời hạn giải quyết khiếu nại lần hai: điều 37 Luật Khiếu nại
+ Thời hạn giải quyết khiếu nại lần hai không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết có thể kéo dài hơn nhưng không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý.
+ Ở vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn giải quyết khiếu nại không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết có thể kéo dài hơn nhưng không quá 70 ngày, kể từ ngày thụ lý.
- Trong thời hạn giải quyết khiếu nại theo quy định của Luật Khiếu nại, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại có trách nhiệm:
+ Kiểm tra lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình, của người có trách nhiệm do mình quản lý trực tiếp. Trường hợp khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính là đúng thì ra quyết định giải quyết khiếu nại ngay không cần phải tiến hành xác minh, kết luận theo trình tự quy định.
+ Trường hợp cần phải tiến hành xác minh, kết luận nội dung khiếu nại thì tự mình xác minh hoặc giao cơ quan, đơn vị, cá nhân thuộc quyền quản lý trực tiếp của mình tiến hành xác minh nội dung khiếu nại.
Bước 4: Tổ chức đối thoại
- Đối với khiếu nại lần đầu: Trong quá trình giải quyết khiếu nại lần đầu, nếu yêu cầu của người khiếu nại và kết quả xác minh nội dung khiếu nại còn khác nhau thì người giải quyết khiếu nại tổ chức đối thoại với người khiếu nại, người bị khiếu nại, người có quyền, nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để làm rõ nội dung khiếu nại, yêu cầu của người khiếu nại và hướng giải quyết khiếu nại; việc đối thoại phải tiến hành công khai, dân chủ (khoản 1, điều 30 Luật Khiếu nại).
- Đối với khiếu nại lần hai: Trong quá trình giải quyết khiếu nại lần hai, người giải quyết khiếu nại tiến hành đối thoại với người khiếu nại, người bị khiếu nại, người có quyền, nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để làm rõ nội dung khiếu nại, yêu cầu của người khiếu nại, hướng giải quyết khiếu nại (điều 39 Luật Khiếu nại).
- Người giải quyết khiếu nại có trách nhiệm thông báo bằng văn bản với người khiếu nại, người bị khiếu nại, người có quyền và nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức có liên quan biết thời gian, địa điểm, nội dung việc đối thoại.
- Việc đối thoại phải được lập thành biên bản; biên bản phải ghi rõ ý kiến của những người tham gia, kết quả đối thoại, có chữ ký hoặc điểm chỉ của người tham gia; trường hợp người tham gia đối thoại không ký, điểm chỉ xác nhận thì phải ghi rõ lý do. Kết quả đối thoại là một trong các căn cứ để giải quyết khiếu nại.
Bước 5: Ra quyết định giải quyết khiếu nại.
- Đối với khiếu nại lần đầu:
+ Người giải quyết khiếu nại lần đầu phải ra quyết định giải quyết khiếu nại (khoản 1, điều 31 Luật Khiếu nại).
+ Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày có quyết định giải quyết khiếu nại, người giải quyết khiếu nại lần đầu có trách nhiệm gửi quyết định giải quyết khiếu nại cho người khiếu nại (điều 32 Luật Khiếu nại).
- Đối với khiếu nại lần hai:
+ Người giải quyết khiếu nại lần hai phải ra quyết định giải quyết khiếu nại (khoản 1, điều 40 Luật Khiếu nại).
+ Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày có quyết định giải quyết khiếu nại, người giải quyết khiếu nại lần hai phải gửi quyết định giải quyết khiếu nại cho người khiếu nại (khoản 1, điều 41 Luật Khiếu nại).
+ Người giải quyết khiếu nại lần hai lựa chọn một hoặc một số hình thức công khai sau đây: (khoản 2, điều 41 Luật Khiếu nại)
* Công bố tại cuộc họp cơ quan, tổ chức nơi người bị khiếu nại công tác;
* Niêm yết tại trụ sở làm việc hoặc nơi tiếp công dân của cơ quan, tổ chức đã giải quyết khiếu nại;
* Thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng.
2. Cách thức thực hiện: Trực tiếp hoặc theo đường bưu điện.
3.  Thành phần, số lượng hồ sơ
- Thành phần hồ sơ:
+ Đơn khiếu nại hoặc bản ghi lời khiếu nại;
+ Tài liệu, chứng cứ do các bên cung cấp;
+ Biên bản kiểm tra, xác minh, kết luận, kết quả giám định (nếu có);
+ Biên bản tổ chức đối thoại (nếu có);
+ Quyết định giải quyết khiếu nại;
+ Các tài liệu khác có liên quan.
- Số lượng hồ sơ: 01 (một) bộ.
4. Đối tượng thực hiện thủ tục hành chính: cá nhân, tổ chức.
5. Cơ quan thực hiện thủ tục hành chính
a) Người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại: Giám đốc Công an cấp tỉnh; Trưởng phòng hoặc Trưởng Công an cấp huyện và Trưởng Công an cấp phường.
b) Cơ quan trực tiếp thực hiện: Thanh tra Công an tỉnh, các phòng, Công an cấp huyện và Công an cấp phường.
6. Kết quả thực hiện thủ tục hành chính: quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu.
7. Lệ phí (nếu có): không.
8. Tên mẫu đơn, mẫu tờ khai (nếu có): không.
9. Yêu cầu, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính (nếu có): không.
10. Căn cứ pháp lý của thủ tục hành chính
- Luật Khiếu nại (Luật số 02/2011/QH13 ngày 11/11/2011),
- Nghị định số 124/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Khiếu nại.
- Thông tư số 68/2013/TT-BCA, ngày 26/12/2013 của Bộ Công an hướng dẫn xử lý khiếu nại, kiến nghị, phản ánh; giải quyết khiếu nại và quản lý công tác giải quyết khiếu nại trong Công an nhân dân.
- Thông tư số 11/2015/TT-BCA, ngày 02/3/2015 của Bộ Công an quy định quy trình giải quyết khiếu nại trong Công an nhân dân.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 6 trong 6 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 6 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Đường dây nóng
Lịch tiếp công dân
Cổng thông tin BCA
Văn bản pháp luật
Dịch vụ công trực tuyến
Hộp thư góp ý
Chuyển đổi số
Bộ Pháp điển
Đối tượng truy nã
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập147
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm145
  • Hôm nay43,066
  • Tháng hiện tại2,183,888
  • Tổng lượt truy cập109,761,737
phieukhaosat
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây